Cái khó ló cái khôn
Như nhiều bà nội trợ khác, chị Lê Thị Vui (Đống Đa, Hà Nội) cũng sở hữu một vườn rau xanh mướt tại nhà. Vì diện tích nhà ở khá eo hẹp lại không có sân thượng nên tất cả các loại rau trồng đều được gom vào hộp xốp rồi đặt sát phái tường ngoài của nhà. Hơi bất tiện một chút, vì phương tiện giao thông đi lại ở đây khá nhiều, nhất là vào giờ cao điểm, thế nhưng, trong thời buổi “loạn lạc thực phẩm” như thế, chị vẫn cố gắng trồng được nhiều rau nhất có thể. Chỉ vào những thùng xốp xanh mướt, chị tự hào: “Nhiều tháng nay, bé con nhà tôi đã có nguồn rau sạch để ăn nên thấy yên tâm hơn hẳn. Vì là rau trồng để nhà ăn nên tôi không dùng hóa chất để chăm cây. Hàng ngày cứ tích nước tiểu của cả nhà vào một xô nhỏ, sau đó hòa loãng, dùng để tưới cây dần. Ông chồng tôi lúc đầu thấy vợ làm vậy cứ càu nhàu mãi, sau thấy cây nảy mầm, đâm lá, cho sản phẩm thì mới im thin thít. Giờ còn rất xông xáo trong việc nhắc nhở cu con phải đi tiểu đúng nơi quy định”.
May mắn hơn chị Vui, nhà chị Nguyễn Thu Bình (Q.9, TP. HCM) lại ở ngay cạnh bãi khu đất trống. Chị kể, lúc chị mới chuyển đến, khu đất này bỏ hoang và nhiều người coi đó là bãi tập kết chất thải xây dựng hay là nơi gom rác tạm thời, trong lúc chờ nhân viên môi trường đô thị đến thu gom. Nhưng gần đây, khi thông tin về thực phẩm sạch, bẩn tràn lan trên các phương tiện truyền thông, chị đã liên hệ với chủ đất, xin phép được dọn dẹp sạch sẽ và trồng rau ở đó. Cũng kể từ đấy, nhà chị luôn có rau sạch ăn, đôi khi “trúng vụ” còn có cả rau cho bạn bè, người thân để lấy thơm, lấy thảo. “Một may mắn nữa là đằng sau khu đất này còn có con kênh chảy qua nên chỉ cần múc nước ở đó đem tưới, không mất nhiều công chăm bón”, chị Bình hồ hởi khoe.
Trồng rau trong hộp xốp, trong những khu đất trống gần nhà là cách khá nhiều người đang áp dụng, đặc biệt là ở những nơi ven nội đô. Tại Hà Nội, nếu có dịp tản bộ ra các khu Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ… hay các khu ngõ nhỏ, không khó để bắt gặp những khóm rau xanh mướt của từng hộ gia đình. Với những người này, trồng rau có lẽ không chỉ đơn thuần là có thêm thực phẩm sạch cho bữa cơm mà còn là một niềm vui nho nhỏ trong ngày.
Cũng vì tâm lý rau nhà trồng không sợ thuốc sâu, không sợ chất kích thích tăng trưởng, thế nên, khi sử dụng nguồn rau này, người ta thường có tâm lý ăn thoải mái, vô tư. Đặc biệt, với các loại rau thơm, rau có thể ăn sống, khi ăn nó cũng chỉ được rửa qua loa vì ai cũng cho rằng không có nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, rau nhà trồng có thực sự “ngon ăn” đến vậy?
Nguy cơ nhiễm hóa chất, kim loại nặng
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), về bản chất, rau nhà trồng đương nhiên sẽ an toàn hơn là mua ngoài chợ hay thậm chí là trong các siêu thị, bởi ít nhất chúng ta kiểm soát được quy trình trồng trọt. Thế nhưng, thực tế, vì thiếu kiến thức, nhiều người đã khiến nguồn rau an toàn này bị nhiễm bẩn , nhiễm hóa chất mà không hề hay biết.
Vẫn theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, để có thể kết luận loại rau nào đó có an toàn hay không, nó phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố về: hạt giống, đất trồng, nước tưới, môi trường sống và nếu chỉ cần vi phạm một trong 4 nguyên tắc này, rau của bạn dù được chăm sóc cẩn thận tại nhà vẫn có nguy cơ trở thành độc hại.
Về hạt giống, bạn cần phân biệt đó là hạt giống trồng rau mầm hay rau ăn lá, bởi lẽ, hạt giống của loại rau thu hoạch khi trưởng thành thường có hàm lượng thuốc bảo quản nhiều hơn, cần nhiều thời gian để phân hủy dưới đất hơn. Như vậy, nếu bạn reo hạt giống của rau trưởng thành, nhưng lại thu hoạch như kiểu rau mầm thì không loại trừ khả năng thuốc bảo quản vẫn còn, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Ngoài lưu ý về hạt giống, vấn đề đất trồng cũng cần được đặc biệt quan tâm. Thực tế, nhiều người thường có thói quen lấy đất ở bất kỳ mô đất trống nào, hoặc trồng luôn ở đó mà không quan tâm liệu đất đó có chứa chất độc hại nào không. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên lựa chọn loại đất chuyên canh để trồng rau, là loại đất được cải tạo liên tục hoặc đất phù sa được bồi đắp hàng năm. Một cách khác là hãy sử dụng đất sạch đóng sẵn, tuy nhiên, loại đất này có giá cả khá cao.
Với vấn đề nguồn nước, theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, nước tưới rau sẽ phải là nước sạch và không nên tận dụng nước thải ở các con kênh, rạch quanh đó vì thực chất nguồn nước này là khá ô nhiễm, dễ khiến rau nhiễm vi sinh cũng như các hóa chất độc hại. Việc sử dụng nước tiểu pha loãng để tưới rau cũng cần lưu ý vì nếu không cẩn thận sẽ ăn phải mầm bệnh.
Thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, về bản chất, nước tiểu ít chứa nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trừ trường hợp nhiễm khuẩn từ phân. Do đó, để hạn chế rủi ro, bạn nên tưới loại nước này vào gốc chứ không nên tưới vào thân hay lá. Với những người đang mắc các bệnh liên quan đến nhiễm trùng đường tiểu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc đang sử dụng kháng sinh liều cao trong thời gian dài thì không nên tận dụng nguồn nước tưới này. Mặt khác, để an toàn, nước tiểu nên pha loãng với tỷ lệ là 1 phần nước tiểu và 10-15 phần nước và để ủ trong khoảng 4 ngày rồi mới đem dùng.
Bàn về vấn đề nhiều bà nội trợ thường trồng rau hoặc để thùng xốp ngay trên đường phố nhiều phương tiện giao thông qua lại, PGS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, việc làm này cũng vô cùng nguy hại. Bởi lẽ, ở vị trí đó, các tế bào rau dễ bị nhiễm các chất ô nhiễm từ khói, bụi với hàm lượng kim loại như: lưu huỳnh, chì, thủy ngân... khá lớn. Và khi ăn phải loại rau này, đương nhiên, cơ thể bạn cũng sẽ bị nhiễm độc. Do đó, để trồng rau an toàn, tốt nhất là phải tạo ra một không gian sạch, để chúng có thể hít thở nguồn không khí trong lành. Đơn giản, rau cũng như người vậy, nếu phải thở không khí ô nhiễm thì đương nhiên cơ thể nó cũng sẽ mắc bệnh.
mang bệnh vì rau nhà trồng, đó chắc chắn là sự cố ngoài ý muốn mà chúng ta không hề mong đợi. Bởi thế, để hạn chế những sự cố kiểu như thế này, vấn đề cốt lõi vẫn phải là tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về trồng rau. Hi vọng rằng, với những thông tin mà Khỏe + mang lại, gia đình bạn sẽ có những bữa cơm thực sự an toàn từ “cây nhà, lá vườn”.