chó cắn khâu 200 mũi, mất mạng vì mèo cào
Nếu là người chịu khó theo dõi báo chí, chắc hẳn, bạn vẫn còn nhớ thông tin về một bé gái 3 tuổi rưỡi ở TP.HCM đang chơi với ông thì bị chó nhà cắn rách mặt. Bé nhập viện với 19 vết rách, trong đó có 2 vết rách vùng má khá sâu và một vết rách thủng sâu tận tuyến mang. Quá trình tiểu phẫu cho bé kéo dài gần 2 giờ đồng hồ cùng khoảng 200 mũi khâu vùng mặt
Cũng vẫn là chơi với chó nhà, một bé gái 2 tuổi ở Bình Dương đã bị chó lôi vào gầm xe ô tô cắn. Nhiều người lớn sau đó đã phải đuổi đánh chó để giải thoát em. Do bị chó xằng xé, bé đã vỡ luôn một miếng xương hàm và răng, khiến quá trình phẫu thuật thêm phức tạp và đau đớn.
Không chỉ có chó, mèo cũng gây ra nhiều vụ tấn công nguy hiểm, điển hình nhất là cái chết thương tâm của em H.V.H (11 tuổi) ở Tuyên Quang những ngày đầu tháng 5/2016 vừa qua. Theo đó, khoảng 3 tháng trước, bé trai này bị mèo nhà hàng xóm cào vào lưng nhưng không nói cho gia đình biết. Trước khi nhập viện 1 ngày, bé H. mệt mỏi, thường rùng mình nhiều lần, không ăn, không uống được, rất sợ gió nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám và điều trị. Kết quả, dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng H. đã không qua khỏi và tử vong ngay ngày hôm sau.
Dễ tổn thương tâm lý
Theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ở Việt Nam, hàng năm, trung bình có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cào, cắn. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước có 40 ca tử vong vì bệnh dại. Miền núi phía Bắc được coi là khu vực trọng điểm dại với hơn 80% số ca tử vong.
Theo bác sĩ Phạm Thị Khương – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính của hệ thần kinh trung ương do virus dại (Rabie virus) gây ra. Người bị nhiễm virus này nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời sẽ lên cơn dại và tử vong sau đó. Do vậy, khi bị chó, mèo cắn, cào, dù là vật nuôi trong gia đình cũng cần phải quan sát, đề phòng nguy cơ bệnh dại.
Nốt mèo cào cùng có thể gây tử vong |
Theo đó, nếu bị chó, mèo dại cắn, cào, cơ thể sẽ bị đau nhức; chỗ bị cắn sưng tấy kèm cảm giác bồn chồn, thổn thức. Người bị cắn sẽ có cảm giác bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, sợ nước, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn. Thời gian ủ bệnh dại có thể từ 10 ngày đến hơn 1 năm, nhưng trung bình vào khoảng 20-60 ngày.
Không chỉ gây ra những tổn thương về thể chất, tai nạn liên quan đến chó, mèo còn để lại nỗi ám ảnh về tinh thần cho những nạn nhân. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, những ký ức hãi hùng về thú nuôi của gia đình chắc chắn không chỉ khiến các bé sợ tiếp xúc trong thời gian dài mà còn gây ám ảnh về tâm lý. Sự thực là không ít các bé đã sống trong cảm giác sợ hãi, luôn lo lắng, bất an sau khi bị chó, mèo tấn công. Nhiều trẻ thậm chí còn mất ngủ triền miên do thường xuyên nằm mơ thấy ác mộng. Những trẻ từng chị chó, mèo cắn cũng nảy sinh tâm lý không yêu quí động vật. Chị Vũ Thúy Hà (Q.1, TP. HCM) – người có con nhỏ từng chó cắn chia sẻ: “Ngày trước, cu con nhà tôi rất thích chó, mèo, nhưng từ đợt bị cắn, nó đâm sợ và ghét nên gia đình không dám nuôi nữa. Có lần, cu cậu còn bảo: “Từ giờ nhà mình ngày nào cũng ăn thịt chó, mẹ nhé”. Tôi hỏi tại sao thì nó bảo: “Để chó chết hết đi, khỏi cắn người”. Giờ thì vợ chồng tôi đang không biết phải giáo dục con yêu thương động vật thế nào khi lúc nào nó cũng nghĩ sẽ bị chó cắn”.
Cẩn thận khi cho trẻ chơi với chó |
Mặc dù nguy cơ bị chó, mèo cắn khi chơi cùng chúng là khá lớn, tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết các mẹ lại chưa ý thức đúng mức về việc bảo vệ con nhỏ. Đa phần mọi người đều cho rằng: thú nuôi ở nhà là an toàn và có chăng, nguy cơ chỉ đến từ nhà hàng xóm. Thế nên, kỹ năng chơi an toàn hay cách phòng tránh cũng như xử lý khi bị chó cắn, mèo cào thường được bỏ qua. Chính vì thế, nhiều bé hồn nhiên tới mức dùng gậy trêu chó hoặc nắm đuôi chó mèo lôi đi chơi mà không ý thức được đó là hành động nguy hiểm. Đặc biệt, khi chó vừa đẻ xong, nhiều trẻ vô tư vào đòi bắt chó con chơi mà không biết rằng để bảo vệ con, chó mẹ sẵn sàng cắn bất cứ ai, kể cả là chủ.
Cũng vì thiếu kỹ năng sống an toàn với chó, mèo mà khi bị cào, cắn, nhiều trẻ không dám nói hoặc không nghĩ là cần phải nói cho bố mẹ biết. Chị Nguyễn Mai Linh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Hôm trước, nghe hàng xóm nói thằng bé nhà tôi bị chó cắn. Tôi tức tốc về hỏi thì nó chối đây đẩy, bảo không phải. Truy mãi mới khai nhận là bị chó đi hoang cắn vào vai, nhưng không dám nói vì sợ bố mẹ phát hiện ra buổi trưa trốn ngủ đi chơi. Cũng may mà phát hiện kịp thời, đưa đi tiêm chủng đầy đủ, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Còn bạn, bạn đã dạy con những kỹ năng sống còn nào để sống chung với thú cưng chưa?