Dễ động kinh, trí tuệ kém phát triển
Bạn đã từng nghe đến bệnh giun, sán chó mèo? Thực tế, căn bệnh này được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1950 với ca phát hiện ấu trùng của giun tròn trong u hạt võng mạc của một bệnh nhân. Đến năm 1952, thế giới cũng ghi nhận sự xâm lấn của ấu trùng này trong nội tạng người. Tính đến nay, giun sán chó mèo được coi là một trong những căn bệnh phổ biến nhất về ký sinh trùng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, có một sự thật là, hầu hết những gia đình đang nuôi chó, mèo đều không ý thức được hiểm họa từ căn bệnh này đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em. Nguy cơ nhãn tiền có thể thấy khi bị nhiễm loại giun, sán này là nó sẽ nhanh chóng di chuyển vào trong gan, phổi, tim, não, mắt, gây gan to, viêm phế quản, giả hen, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm võng mạc, kết mạc.. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, nó còn gây động kinh và suy giảm nhận thức cũng như trí tuệ kém phát triển ở trẻ.
Tại sao chó, mèo lại có thể gây bệnh giun, sán? Câu hỏi ấy chắc chắn là băn khoăn của không ít người, đặc biệt là những người đang nuôi dưỡng loài động vật này. Theo bác sĩ Phạm Thị Khương – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, nguyên nhân gây ra bệnh giun, sán chó, mèo là do một loài giun tròn, sống trong ruột non của chó, mèo có tên là Toxocara canis hay Toxocara cati. Thông thường, trứng giun sẽ theo phân ra đất, phát triển thành ấu trùng và xâm nhập vào cơ thể con người chủ yếu qua đường tiêu hóa.
Ở người lớn, Toxocara canis lây nhiễm khi chúng ta ăn phải các loại thức ăn có nhiễm trứng giun, điển hình là các loại rau sống. Một khảo sát tình hình nhiễm giun tròn đường tiêu hóa trong 177 con chó tại một số địa phương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, qua mổ khám, tỷ lệ chó nhiễm Toxocara canis chiếm từ 10-25% và qua xét nghiệm phân là từ 22,8- 40%. Ngoài ra, một khảo sát trên 90 mẫu rau sống bán tại các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, số mẫu rau nhiễm trứng giun đũa chó, mèo chiếm đến 67,7%. Nguy hại là ở chỗ, đa số mọi người đều không ý thức được khả năng lây bệnh từ vật nuôi trong nhà nên không có những biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Ấu trùng giun sán có thể gây động kinh, giảm nhận thức |
Bên cạnh khả năng lây lan qua đường tiêu hóa, Toxocara canis còn có thể xâm nhập trực tiếp qua da non, khi các bé ôm ấp hay vô tình tiếp xúc với phân của chó, mèo. Hơn nữa, do “sở thích” lê la mặt đất, bé yêu cũng rất dễ tiếp xúc với ấu trùng. Và nếu không may nuốt phải, ấu trùng sẽ xuyên qua thành ruột để đến làm tổ trong các cơ quan ngũ tạng cũng như hệ thần kinh trung ương của trẻ, gây tổn thương các mô. Do hạn chế trong việc miêu tả lại những khó chịu của cơ thể, trẻ em cũng là đối tượng chậm phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc về sau.
Hay nhầm lẫn với các bệnh khác
Năm 2015, bệnh viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM vừa cứu sống một trường hợp viêm cơ tim do nhiễm giun sán chó mèo gây biến chứng sốc tim. Đó là em N.M.H (15 tuổi, ngụ ở Đồng Nai), được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng khó thở, tím tái, trụy mạch, phù mặt, phù 2 chân, gan to.
Trước thời điểm nhập viện 10 ngày, em H. thường than mệt, ho khan, đặc biệt khi hoạt động thể lực hoặc khi nằm. Sau đó, H. bị sốt nhẹ, đau ngực và khó thở ngày càng nhiều.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, cùng lúc với việc điều trị sốc tim để cứu H., các bác sĩ Khoa Tim mạch đã tìm ra nguyên nhân gây viêm cơ tim cấp dẫn đến sốc tim từ bệnh sử “H. thường xuyên chơi, ăn, thậm chí ngủ chung với chó”. H. nhanh chóng được xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giun sán chó mèo và kết quả xét nghiệm cho thấy H. bị nhiễm Toxocara canis – một loại giun sán chó mèo.
Nỗi mề đay, mẩn ngứa cũng là biểu hiện của nhiễm giun, sán từ chó, mèo |
Trước đó, tại bệnh viện tỉnh Bình Phước ghi nhận trường hợp một bệnh nhân bỗng dưng làn da bị thay đổi toàn thân với nhiều vết đen sạm và mề đay ngang dọc cơ thể. Qua xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện ra rằng: bệnh nhân dương tính với 4 loại ký sinh trùng, trong đó có Toxocara canis.
Tương tự, một bệnh nhân ở Thái Bình cũng được chuyển vào cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau đầu, đặc biệt là vùng đỉnh đầu kéo dài hơn 1 tháng, dùng thuốc giảm đau chỉ đỡ trong chốc lát chứ không thể dứt hẳn. Kết quả chụp MRI (cộng hưởng từ) sọ não và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy “có tổn thương tại thùy đỉnh phải, ngấm thuốc dạng viền và có phù não xung quanh”. Xét nghiệm về kí sinh trùng cho thấy bệnh nhân dương tính mạnh với giun đũa chó.
Tất cả các trường hợp trên cho thấy, về bản chất, nhiễm giun, sán chó, mèo không có một biểu hiện đặc thù nào nên khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Theo bác sĩ Khương, trong quá trình lưu hành trong cơ thể, loại ấu trùng này đi đến các mô khác nhau và gây ra rất nhiều triệu chứng ở người rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Trong một số trường hợp, bệnh sẽ có biểu hiện là: ngứa ngoài da (nổi mề đay), nổi mụn trên da, xạm da, cảm giác nhột nhột dưới da…, song để có kết luận chính xác chỉ có thể dựa vào xét nghiệm.
Tất nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh giun, sán chó, mèo hoàn toàn có thể điều trị khỏi, thế nhưng, thực tế là, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn nên sức khỏe đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Không ít những trường hợp còn bị động kinh, trí não suy giảm bởi loài giun, sán này. Thế nên, phòng bệnh vẫn là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu với những gia đình đang nuôi chó, mèo hiện nay.