Ban đầu dùng thuốc, chị Hòa thấy người khỏe khoắn, da đẹp hơn. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng thường xuyên, chị thấy người uể oải, chán ăn, đi xét nghiệm kết quả cho thấy gan của chị bị tổn thương do lạm dụng thuốc.
Bệnh nhân nhập viện điều trị suy gan. Ảnh: Lê Phương. |
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tại TP HCM cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân với những tổn thương gan, viêm gan do sử dụng các thuốc giải độc gan, thuốc bổ gan tùy tiện, không theo chỉ định.
Theo bác sĩ Hùng, sai lầm nhiều người hay mắc phải là khi cơ thể có triệu chứng bất thường đều nghĩ là do “nóng gan” nên mua thuốc giải độc gan, làm mát gan về uống tràn lan. Thường gặp nhất là khi bệnh nhân nổi mụn nhọt, ngứa ngáy, sắc tố da thay đổi… “Có nhiều bệnh lý gan góp phần gây nên những biểu hiện xấu trên da nhưng không ít trường hợp là các nguyên nhân rối loạn nội tiết, yếu tố thời tiết, chế độ dinh dưỡng, bệnh huyết học hoặc một số bệnh lý khác chứ không phải do gan”, bác sĩ Hùng lý giải.
Bác sĩ nhấn mạnh, về nguyên tắc không có bệnh thì không dùng thuốc. Việc dùng thuốc giống như một “con dao hai lưỡi”. Dùng thuốc tức là đưa dược chất vào cơ thể để trị bệnh, ngoài tác dụng chính để trị bệnh, thuốc có thể gây nên những tương tác bất lợi nhất là khi lạm dụng thuốc, dùng thuốc không có hướng dẫn chuyên môn. Thuốc được dùng đúng chỉ định, chính xác thì mới đem lại lợi ích cho người bệnh và tránh được các rủi ro, bất lợi. Hầu như các thuốc sau khi sử dụng đều được đưa đến gan để chuyển hóa và đào thải ra ngoài. Trong quá trình thu nhận và chuyển hóa thuốc, có thể đưa đến các chất có hại gây bệnh cho gan ngay cả khi lá gan đang khỏe mạnh.
Quan niệm sai lầm thường gặp là nhiều người nghĩ rằng các giải độc gan, bổ gan nguồn gốc thảo dược (thuốc Nam, thuốc Đông y,…) vì do chế biến từ cây cỏ thiên nhiên nên vô hại, uống vào “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Bác sĩ Hùng đưa ra ví von, cùng một giống cây, nếu mang trồng trên đất này sẽ cho ra quả ngọt, quả to nhưng mang sang đất khác sẽ cho ra quả nhỏ, chua, tùy thuộc vào các điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu... Việc sử dụng các loại thuốc này ở mỗi cơ thể khác nhau cũng vậy. Thuốc Đông y, thuốc Nam cũng là thuốc và cần phải sử dụng theo chỉ dẫn của thầy thuốc trên cơ địa của từng người với từng chẩn đoán bệnh khác nhau, không thể sử dụng tràn lan theo kiểu truyền miệng.
Trong các loại cây thảo dược có những hoạt chất trị bệnh được nhưng cũng có nhiều chất không trị bệnh được và có thể gây hại cho gan. Chính vì vậy việc sử dụng các thuốc này cần phải được nghiên cứu, có quy trình bào chế đúng cách thì mới giúp giữ lại những hoạt chất có lợi, loại bỏ những hoạt chất có hại chứ không phải đơn thuần thuốc nào cũng “sao vàng, hạ thổ, đổ vào… ly nước, sắc còn…” là dùng được. Đó là chưa kể đến trường hợp nhiều người sử dụng các cây thuốc được trồng ở những nơi có độc chất, cây thuốc được bảo quản không tốt bị ẩm mốc, nhầm thuốc… dẫn đến nhiễm độc gan nghiêm trọng.
Một vấn đề phổ biến là nhiều người sử dụng thuốc giải độc gan để ngăn ngừa những tổn thương do uống bia, uống rượu. Do tâm lý đã có thuốc “giải độc”, bảo vệ gan nên nhiều người chủ quan, càng thỏa sức uống bia rượu nhiều hơn. “Dĩ nhiên các loại thuốc này cũng hỗ trợ cho gan trong vấn đề thanh nhiệt, giải độc nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Nếu uống bia rượu liên tục, uống quá nhiều thì không có thuốc nào có thể giúp gan khỏe được”, bác sĩ Hùng cảnh báo.
Lê Phương