Điều trị suy hô hấp cho trẻ sơ sinh. |
Lúc ở trong bụng mẹ, phổi thai nhi không có không khí nên động tác thở đầu tiên của trẻ sơ sinh là hít vào. Nếu trong mồm, họng hay hốc mũi có các dịch ối, dịch âm đạo hay dịch tiết khác thì trẻ sơ sinh hít tất cả chúng vào trong phổi và thanh khí quản. Sau vài động tác thở, trẻ sẽ bị ngạt vì các đường hô hấp bị lấp kín, đó là ngạt thứ phát.
Đề phòng trẻ ngạt bằng cách nào? Đối với các bà mẹ, cần đến đẻ tại cơ sở y tế có nữ hộ sinh chăm sóc theo dõi chuyển dạ và đỡ. Đối với cán bộ y tế, cần theo dõi chuyển dạ đúng quy trình, tránh để chuyển dạ kéo dài quá 24 giờ ở tuyến cơ sở. Nếu đẻ chỉ huy, phải theo dõi sát cơn co tử cung và tim thai. Nếu tim thai trên 165 lần/phút hoặc dưới 120 lần/phút là báo hiệu suy thai, nếu không xử lý tốt sẽ là nguyên nhân gây ngạt sơ sinh. Trong phòng sinh phải có sẵn hệ thống ôxy để sử dụng khi cần thiết.
Trẻ sinh ra phải được xử lý tốt đờm dãi: lau sạch các dịch ở mồm, mũi và cuối cùng là họng trẻ khi đầu trẻ vừa xuất hiện ở âm môn. Có thể dùng gạc sạch bọc vào đầu ngón tay lau sạch nhớt ở khoang miệng của trẻ hoặc dùng máy hút nhớt (nếu có điều kiện). Những biện pháp này đủ làm sạch và thông thoáng đường hô hấp trên trước khi trẻ hít vào và thay thế hoàn toàn cho động tác dốc ngược đứa trẻ trước kia hay dùng.
Khi trẻ bị ngạt, trước hết phải làm thông thoáng đường hô hấp, loại bỏ hết dịch nhầy mà trẻ hít phải trong khi lọt lòng. Nguyên nhân chính của loại ngạt này là suy thai trong khi chuyển dạ. Vì vậy, việc chữa ngạt sau khi thai nhi xổ phải rất khẩn trương. Việc khẩn trương hút dịch có thể tiến hành cùng với việc kiềm hóa máu cho trẻ sơ sinh (tiêm dung dịch bicarbonat vào tĩnh mạch rốn cho bé). Cần ủ ấm cho trẻ trong suốt quá trình điều trị ngạt (bảo đảm bằng nhiệt độ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ), hô hấp hỗ trợ ngay bằng bóng ambu và ôxy.
Trong trường hợp trẻ ngạt thứ phát (nghĩa là trẻ đã hít nhiều dịch vào đường khí quản) thì phải cho ống hút vào sâu trong khí quản để hút cho sạch, trước khi hô hấp hỗ trợ. Nếu không có dụng cụ thì có thể hút bằng mồm: đặt mồm vào mũi trẻ sơ sinh để hút, đồng thời dùng tay bịt kín miệng trẻ. Phương pháp hút này cũng có hiệu quả rất cao nhất là khi trẻ ngạt ở tuyến y tế cơ sở.
Không dùng thuốc kích thích tuần hoàn hay hô hấp vì chúng chẳng những không có lợi gì mà còn làm tiêu hao nhiều năng lượng của trẻ trong lúc năng lượng cơ thể đang bị cạn kiệt.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)