Theo các bác sĩ chuyên khoa, hiểu một cách nôm na, nghiện “chuyện ấy” là hành vi chỉ bạn luôn bị ám ảnh bởi “chuyện ấy”. Bạn thường có ham muốn “mạnh” khác thường, khát khao được thỏa mãn bằng nhiều cách khác nhau, có khi không kiềm chế được bản thân dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Vì sao lại bị... “nghiện chuyện ấy”?
Có 4 nguyên nhân khiến bạn dễ bị nghiện “chuyện ấy”:
- Bước vào tuổi dậy thì, khi cơ thể phát triển và các bạn bắt đầu có những “tò mò” giới tính, tập tành vào các trang web xấu, xem phim ảnh nhạy cảm, các bạn bị ảnh hưởng và bắt chước theo. Lâu ngày trở thành thói quen, đến mức các bạn không thể làm chủ được bản thân, cứ bị “chuyện ấy” ám ảnh và... phải làm theo!
- Những bạn “nghiện chuyện ấy” thường có căn nguyên từ nhỏ và giai đoạn dậy thì, khi các bạn lớn lên trong môi trường gia đình bất hòa hoặc thiếu quan tâm chăm sóc. Một cách tình cờ, “thẩm du” trở thành “chiêu” để các bạn tự thỏa mãn và vượt qua những khó chịu. Và rồi “thẩm du” cũng không “đủ liều”, các bạn ngày càng cần “chuyện ấy” thực sự và thường xuyên hơn.
- Một dạng khác có thể là các bạn từng bị lạm dụng tình dục hoặc có trải nghiệm tình dục lần đầu không do tình cảm lứa đôi. Trong hoàn cảnh ấy, ngoài sự tò mò tự nhiên, các bạn còn có mặc cảm sợ hãi và tội lỗi. Tuy nhiên lại không thể vượt qua được. Những nghiên cứu gần đây cho thấy gần 60% những người nghiện tình dục bị lạm dụng tình dục lúc nhỏ.
- Cuộc sống quá đầy đủ về vật chất nhưng bản thân lại thiếu nghị lực, không có lý tưởng đã đẩy nhiều bạn trẻ vào con đường ăn chơi vô bổ. Nhiều bạn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, không có mục đích sống nên loay hoay tìm đến sex như một giải pháp để quên, để tìm cảm giác mạnh..., đến khi muốn thoát ra thì... lực bất tòng tâm!
Tớ hay “một mình” đấy, nhưng làm sao tớ biết mình có đang bị nghiện “chuyện ấy” không?
“Một mình” thái quá cũng là biểu hiện của chứng “nghiện chuyện ấy”, tuy nhiên, để có thể tự đánh giá một cách chính xác hơn, bạn có thể căn cứ vào những biểu hiện dưới đây:
- Bạn nghĩ đến “chuyện ấy” thường xuyên. Trong đầu lúc nào cũng liên tưởng đến “chuyện ấy”, nhất là khi gặp một người khác giới. Bạn luôn thấy khao khát, khó chịu và mong muốn được thỏa mãn.
- Bạn là “tín đồ” của những website “đen”. Gần như bạn không thể không xem phim nóng, ảnh mát mẻ trong một ngày, thậm chí “nghiên cứu” kỹ từng hành động của họ trong phim, ảnh và tưởng tượng mình cũng sẽ như thế.
- Bạn hay che giấu người thân về những bí mật yêu đương hay tình dục của mình. Tuy “thẩm du” không hoàn toàn xấu, nhưng bạn đã quá lệ thuộc vào nó, có ngày bạn còn thực hiện nhiều lần.
- Bạn hay tránh những chỗ đông người, không thích tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, chỉ muốn ở một mình để “tơ tưởng” đến “chuyện ấy”.
- Bạn luôn muốn gần gủi người yêu, thậm chí có lúc còn cố ép họ làm “chuyện ấy” với mình cho bằng được.
- Bạn có nhiều bạn tình và không bao giờ có ý định dừng lại số người trong danh sách đó. Lúc nào bạn cũng có thể làm “chuyện ấy” với một trong số họ.
- Bạn thường xuyên có nhiều ý nghĩ tội lỗi, kể cả nếu không được thỏa mãn, bạn có thể thực hiện những hành vi sai trái vì không thể kiềm chế bản thân. Đây là mức độ rất nguy hiểm.
Nghiện “chuyện ấy” nếu có, chỉ là việc riêng của tớ, can dự gì đến ai chứ!
Đúng là “nghiện chuyện ấy” chỉ là việc thầm kín của mỗi người, tuy nhiên hành vi cá nhân ấy có thể gây khó chịu, phản cảm, thậm chí hậu quả nghiêm trọng cho người khác nếu chẳng may các bạn không làm chủ được mình. Bởi khi bị “nghiện”, các bạn thường dễ có những hành vi không được pháp luật cho phép, như... phô bày “vùng kín” nơi công cộng, thích nhìn trộm người khác, nói chuyện nhạy cảm trên điện thoại hay gạ gẫm “chuyện ấy” với họ.
Tệ hơn, vì thiếu kiềm chế các bạn có thể cưỡng ép người khác làm “chuyện ấy” với mình, bất chấp những hậu quả xấu tiềm ẩn. Ngoài việc gây tổn thương cho các mối quan hệ và ảnh hưởng xấu đến công việc, đời sống của họ, bạn còn tự làm mình tổn thương.
Bạn cũng có thể có nhiều cuộc phiêu lưu tình ái nguy hiểm, nhiều bạn tình “một đêm”, có hành vi tình dục không an toàn hay cố tình “truyền bá” phim ảnh nhạy cảm cho người khác cùng xem... Tất cả những việc đó chứng tỏ “nghiện chuyện ấy” không thể chỉ là chuyện thầm kín cá nhân, mà thực sự có thể gây hại cho chính bản thân người nghiện lẫn những người xung quanh.
Nếu lỡ bị nghiện “chuyện ấy” thật thì... hậu quả sẽ thế nào?
Về mặt sức khỏe , nếu không may bị “nghiện chuyện ấy” nặng, bạn có thể gặp phải nhiều hậu quả khác nhau. Nỗi ám ảnh tình dục khiến các bạn sa vào những hệ luỵ thái quá như “thẩm du” nhiều, nghiện xem phim cấm, bị ám ảnh tình dục và cơ thể luôn đòi hỏi được thỏa mãn... dẫn đến tình trạng suy kiệt, tinh thần thiếu lành mạnh, trong sáng.
Bạn cũng có thể có nguy cơ quan hệ tình dục bừa bãi, loạn d*m đồng giới, bạo hành tình dục, có thể có hành vi tình dục không an toàn dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dẫn đến vô sinh hay nhiễm HIV, viêm gan B, C...
Còn về mặt xã hội, bạn cũng có thể bị mất uy tín, chán ghét bản thân, tâm trạng đầy mâu thuẫn và bế tắc, đánh mất sự tôn trọng của mọi người, mất danh dự và tiền của, có nguy cơ bị khiển trách và mất việc làm, dính dáng đến pháp luật... nếu không may có những hành vi không đứng đắn. Mặc dù xã hội có sự mở cửa, thông thoáng hơn trong quan điểm thì những quan hệ kiểu buông trôi như thế cũng rất khó chấp nhận.
Vậy “nghiện chuyện ấy” có chữa được không?
Có thực tế là, hầu hết những bạn “nghiện chuyện ấy” đều không chịu thừa nhận mình đang “bị” như vậy, trong khi việc điều trị chứng “nghiện” khá nhạy cảm này lại phụ thuộc vào việc người nghiện có thừa nhận hay không. Trong nhiều trường hợp, những bạn được đưa đi khám và điều trị không phải là do bạn ấy tự nhận thấy mình “có vấn đề” mà thường do gia đình, người thân hay kể cả... người yêu đưa đi. Đó là khi người trong cuộc để xảy ra sự cố như có những hành vi không đứng đắn, bị mất việc, bị bắt hay gặp khủng hoảng về sức khỏe, tinh thần chỉ vì... “nghiện”.
Điều quan trọng là người bệnh cần ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, phải kiên trì, tự giác điều trị và yêu cầu được giúp đỡ về chuyên môn. Khi đã tự nhận ra vấn đề và xin được hỗ trợ thì có thể nói người ấy đã thành công 50%. Cần mạnh dạn thừa nhận vấn đề của mình khi mức độ “nghiện chuyện ấy” chỉ mới bắt đầu, bởi lúc đó khả năng tự kiểm soát còn tốt thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy có thể gặp phải một số khó khăn, song việc “cai nghiện” hoàn toàn có thể chữa khỏi. Cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tình dục học tại các bệnh viện và “khổ chủ” phải cùng tích cực hợp tác.