Theo các bác sĩ dinh dưỡng, óc heo là một thực phẩm giàu chất béo nhưng tỉ lệ các chất dinh dưỡng lại không cân đối lắm. So với thịt cá, nó chứa lượng đạm thấp, nghèo sắt và ít vitamin. Vì vậy, nếu cho trẻ ăn óc heo nhiều và đơn thuần trong thời gian dài sẽ khiến trẻ bị béo phì, không tốt cho sức khỏe chứ không phải là thuốc tăng cường trí thông minh cho trẻ như nhiều người nghĩ.
Dinh dưỡng thiếu cân đối
Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, trong 100g óc heo (phần ăn được) chứa tỷ lệ dinh dưỡng như sau: 9g chất đạm (chiếm 9%), 9,5g chất béo (chiếm 9,5%), 0,4g chất bột đường (chiếm 0,4%). Thành phần các khoáng chất có trong 100mg óc heo cũng rất thấp: sắt chỉ chiếm 1,6mg, kẽm 1,27mg... Tuy là thực phẩm giàu chất béo nhưng óc heo lại không hề có các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E và K.
Óc heo có lượng đạm thấp, chỉ bằng 1/2 lượng đạm có trong thịt cá (100g thịt bò có 21g đạm và cá thu 18,2g), nhưng lượng chất béo và cholesterol lại quá cao (lần lượt là 9,5g và 2,195g/100g óc heo). Vì vậy nếu cho trẻ ăn nhiều, nhất là khi không có sự kết hợp cân bằng với các thực phẩm khác thì hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Bao nhiêu là đủ?
Như vậy, khác với suy nghĩ của nhiều người, óc heo không hẳn tốt cho trí não của trẻ mà ngược lại còn có thể gây hại, nếu trẻ ăn quá nhiều và thường xuyên. Vì chứa ít chất sắt nên nếu trẻ chỉ ăn đơn thuần óc heo trong thời gian dài sẽ dễ bị thiếu máu, thiếu sắt. Tương tự, óc heo không có chứa vitamin A nên nếu không kết hợp với thực phẩm khác thì trẻ rất dễ bị nhiễm trùng và chậm tăng trưởng...
Tuy nhiên, trường hợp trẻ thích, ba mẹ vẫn có thể cho trẻ ăn óc heo với liều lượng cho phép. Cụ thể: có thể cho trẻ ăn từ 1-2 lần/tuần, mỗi lần chỉ nên ăn từ 30-50g óc heo. Nên cho trẻ ăn óc heo chung với cơm, cháo hay nấu dưới dạng súp và bổ sung thêm rau, đậu đỗ... để bữa ăn của trẻ được đầy đủ dinh dưỡng.
Cần lưu ý thêm, nếu cho trẻ ăn nhiều và thường xuyên óc heo thì trẻ sẽ ngán, lâu ngày có thể dẫn đến biếng ăn. Tốt nhất nên đổi món và sử dụng nhiều thực phẩm khác nhau để trẻ nhận được nhiều dưỡng chất hơn, làm quen với nhiều món ăn mới.
Chế biến an toàn
Để chế biến óc heo ngon và an toàn, trước tiên nên lột bỏ lớp màng mỏng chứa các mạch máu bao phủ bên ngoài ra, làm vậy óc heo không bị tanh và thơm ngon hơn. Óc heo có thể hấp, luộc, chiên, xào riêng hoặc kết hợp với trứng, đậu hũ, nấm... Tuy nhiên vì đây là thực phẩm giàu chất béo cho nên khi chế biến ta cần hạn chế chiên, xào, nhất là dùng cho trẻ.