Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm thấy dấu vết ADN của tế bào ung thư thận trong nước tiểu. Như vậy, việc chẩn đoán căn bệnh chết người thầm lặng này chẳng bao lâu sẽ trở nên cực kỳ đơn giản và nhanh chóng, chỉ qua xét nghiệm nước tiểu. Thông thường, việc xác định bệnh nhân ung thư thận được thông qua sự hiện diện của máu trong nước tiểu. Song thực tế là nước tiểu còn mang theo cả ADN của tế bào ung thư, nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm ung thư Fox Chase, Mỹ, khẳng định tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Niệu học tại San Francisco. Khi xét nghiệm nước tiểu của 50 bệnh nhân ung thư thận, họ đã tìm thấy ADN ung thư trong 44 người. Những ADN này hoàn toàn biến mất khi người bệnh được chữa trị. Theo tiến sĩ Robert Uzzo, thành viên nhóm nghiên cứu, độ chính xác của việc chẩn đoán ung thư thận qua xét nghiệm nước tiểu là tương đối cao. Kiểu chẩn đoán này không bao giờ cho kết quả "dương tính giả" - nghĩa là không bao giờ người khỏe mạnh bị kết luận là có bệnh. Một thế mạnh khác của xét nghiệm bằng nước tiểu là khả năng phân loại rõ ràng các giai đoạn phát triển bệnh, theo đó bác sĩ có thể biết chính xác mức độ tiến triển của bệnh nhân trong quá trình điều trị. Phương pháp chẩn đoán đơn giản này sẽ sớm được phát triển để áp dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Phát hiện trên được xem là một tin tốt lành đối với số bệnh nhân ung thư thận đang ngày một gia tăng hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mắc bệnh tương đối chệnh lệch giữa các quốc gia, trong đó những nước Tây Âu phồn thịnh có nhiều ca bệnh hơn các nước đang phát triển. Chính vì vậy, nguyên nhân phát triển bệnh, theo nhóm nghiên cứu, có thể do lối sống, thói quen hút thuốc lá, bệnh béo phì. Giống như bất kỳ căn bệnh ung thư nào, cơ hội chữa khỏi ung thư thận sẽ rất cao nếu bệnh nhân được phát hiện và điều trị sớm. Còn một khi tế bào ung thư đã xâm lấn sang các tổ chức khác thì cơ hội sống sót là không đáng kể. Mỹ Linh (theo BBC) |
Có thể bạn quan tâm: