Một ca phẫu thuật thẩm mỹ tại Thẩm mỹ viện. |
Theo bác sĩ Lê Hành, khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM, việc phối hợp giữa các loại vật liệu được sử dụng khá phổ biến, hạn chế tai biến của từng loại và làm cho chiếc mũi trở nên ưng ý nhất.
Hiện nay, có 3 loại vật liệu chính dùng làm "chất độn" phẫu thuật cho tháp mũi cao lên và dài hơn.
1. Vật liệu tự thân như sụn sườn, sụn vành tai, xương sọ đính, xương mào chậu, các loại cân mạc, bì của da…
2. Vật liệu tương tự từ đồng loại (người khác) hoặc dị loại (sinh vật khác loài như sụn bò, da heo ...), được chế biến theo một quy trình khắc nghiệt để loại trừ tính gây kháng thể.
3. Vật liệu tương hợp sinh học: silicone dẻo, Gore-Tek, Porex, san hô, Hydrogel (Aquamid, Amazing gel…).
Về đặc tính, dùng vật liệu của chính mình là an toàn nhất, nhưng có những rủi ro khác và để lại đau đớn. Nguyên nhân là để có một thanh độn dài, thẳng như tháp mũi thì chỉ có sụn sườn và xương mào chậu hay xương đính của sọ. Phẫu thuật lấy mô ghép lớn hơn kéo theo nhiều nguy cơ và hậu phẫu dài, thậm chí đau kéo dài hơn chính phẫu thuật chỉnh hình mũi. Đặc biệt, ở vùng sườn và chậu, đau do mổ sẽ kéo dài nhiều năm, ngay cả khi sụn và xương ở mũi đã bắt đầu bị hấp thu, mũi đã thấy biến dạng. Lấy sụn ở vành tai ít gây tổn thất nhất, nhưng sụn vùng này quá ít, dẹp và cong, chỉ dùng để sửa chữa những khiếm khuyết nhỏ.
So với vật liệu "của nhà trồng được" kể trên, dùng vật liệu đồng loại và dị loại thì không phải chịu phẫu thuật lấy mô ghép, nhưng bị cơ thể hấp thu khá nhanh chóng, nhất là những vùng chịu lực như ở đỉnh mũi, làm bộ phận này biến dạng.
Vì những lý do trên mà các nhà thẩm mỹ đã chọn các vật liệu tương hợp sinh học (biocompatible substance), không bị hấp thu như. Trong đó, silicone dẻo là vật liệu thông dụng nhất dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ mũi. Tuy nhiên, dùng vật liệu này có hạn chế trong trường hợp cố gắng làm mũi thật cao, thật "Tây", lớp da vùng mũi bên trên khối silicone sẽ nhanh chóng mỏng dần, không đủ sức che phủ. Thanh độn lộ rõ ra dưới da, nhất là vùng đỉnh mũi, thậm chí làm da bị thủng.
Kỹ thuật này cũng được dùng để “cứu vớt” những mũi sửa bị hỏng, da mũi đã quá mỏng với thanh silicone dẻo, hoặc dành cho những mũi bị biến dạng do chấn thương. Bác sĩ Hành khuyên chị em nên cẩn trọng lựa chọn các trung tâm thẩm mỹ được cấp phép để tránh "tiền mất tật mang".
Lê Nhàn