Bệnh nhân gút không được uống rượu. |
Gút xuất hiện do rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể. Biểu hiện là viêm ở các khớp, chủ yếu gặp ở nam (95%), tuổi trung niên (30-40 tuổi).
Cơn viêm cấp thường xuất hiện sau bữa ăn nhiều rượu thịt, chấn thương hoặc phẫu thuật, sau lao động nặng, đi lại nhiều, xúc động, nhiễm khuẩn cấp. Khoảng 50% có dấu hiệu báo trước như rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, mệt mỏi, đi tiểu nhiều, sốt nhẹ. Khoảng 60-70% có biểu hiện viêm cấp ở khớp bàn ngón chân cái. Bệnh nhân đau dữ dội, ngón chân sưng to, phù nề, căng bóng, đỏ, sung huyết.
Đợt viêm kéo dài 1-2 tuần, đêm đau nhiều hơn ngày. Sau đó viêm nhẹ dần, đau giảm, bớt phù nề, da tím dần, hơi ướt, ngứa nhẹ rồi bong vảy. Sau khi khỏi, bệnh không để lại di chứng nhưng có thể tái phát vài lần trong năm.
Gút mạn tính có thể tiếp theo gút cấp tính, nhưng phần lớn bắt đầu từ từ, tăng dần, không qua các đợt cấp, biểu hiện bằng dấu hiệu nổi u cục (lắng đọng urat ở xung quanh khớp, đầu xương, sụn)
và viêm đa khớp mạn tính (thường là các khớp nhẹ và vừa, rất dễ nhầm với bệnh viêm đa khớp dạng thấp). Bệnh cũng có biểu hiện ở cơ quan khác như thận (sỏi thận), thần kinh.
Đối với cơn gút cấp tính, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhẹ hoặc gút mạn tính có thể điều trị tại nhà theo đơn của thầy thuốc. Để phát huy tác dụng điều trị, người bệnh gút cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý: Kiêng rượu, bia và các chất kích thích chè, cà phê; uống nhiều nước (2 lít/ngày), nên dùng các loại nước khoáng có chứa nhiều bicacbonat. Hạn chế thức ăn có nhiều axit uric như thịt, cá, tôm, cua, phủ tạng động vật, đậu đỗ; ưu tiên thức ăn có ít axit uric như trứng, sữa, phomat, ngũ cốc, các loại hạt, đường rau quả.
Món ăn bài thuốc: Ý dĩ 60 g, hồng táo 20 quả; nấu chín, ăn ngày một lần. Hoặc: Trứng cút 5 quả, hạt sen 30 g; nấu chín, ăn ngày một lần.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)