Loãng xương là tình trạng giảm tỷ trọng khoáng chất của xương khiến xương trở nên giòn, xốp, dễ gãy. "Tên trộm vặt" này gặm nhấm xương của cả hai giới nhưng nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Tiến sĩ Từ Ngữ, một chuyên gia dinh dưỡng giải thích: " phụ nữ phải trải qua quá trình sinh đẻ. Mỗi lần qua 'cửa mả', cơ thể mất đi rất nhiều dinh dưỡng trong đó có canxi và protein. Nếu không ăn uống đủ chất để bù lại, chị em sẽ rất dễ bị loãng xương".
Bên cạnh đó, loãng xương còn do suy giảm nội tiết tố estrogen, di truyền, người nuôi con bằng sữa mẹ nhưng ăn uống không đủ chất, người có khối lượng xương đỉnh ở tuổi trưởng thành thấp, người béo phì, ăn quá nhiều đạm động vật, ít vận động ngoài trời hoặc có thói quen uống nhiều rượu, bia, thuốc lá. Các bệnh mãn tính về đường tiêu hóa, bệnh nội tiết… cũng có thể góp phần dẫn đến loãng xương.
Tiến sĩ Từ Ngữ so sánh, các biến chứng của bệnh về xương nguy hiểm không kém gì bệnh nhồi máu cơ tim. Trước hết là bởi bệnh này thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Khi có triệu chứng như đau lưng, giảm chiều cao, còng lưng, gãy xương sau một chấn thương rất nhẹ thì bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, việc điều trị rất khó khăn, tốn kém.
Thứ hai, loãng xương để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân đau lưng làm gì cũng khó khăn. Họ cũng có thể phải nếm trải những cơn đau thắt ngực mà nhiều người hiểu nhầm mình có bệnh tim mạch. Đặc biệt, thiếu canxi còn gây mất ngủ, khiến bạn khó bắt đầu giấc ngủ và khi ngủ hay thức dậy giữa chừng. Thiếu ngủ kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe khác như căng thẳng, kém tập trung, tiểu đường loại 2, trầm cảm, nhức đầu, chóng mặt, suy giảm chức năng miễn dịch, tiêu hóa kém… Hậu quả nặng nề nhất là gây tàn phế, tử vong. Theo tiến sĩ Từ Ngữ, trong các nguyên nhân gây tàn phế, loãng xương đứng hàng thứ hai, chỉ cần chấn thương nhẹ, thậm chí đứng lên ngồi xuống cũng có thể gây gãy xương, đặc biệt là ở vùng cột sống, cổ tay, vùng hông. Nếu được điều trị, việc liền xương cũng đòi hỏi thời gian lâu dài.
Nếu khối lượng xương cao nhất lúc trưởng thành tăng 10%, bạn sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do loãng xương. Để làm được điều này, tiến sỹ Từ Ngữ khuyên người dân nên:
- Ăn uống đa dạng, cân đối protein với các vitamin, tích cực ăn những thực phẩm giàu canxi như cá nhỏ, cổ gà ăn cả xương, sữa, sữa chua, phô mai, nước cam, sữa đậu nành… sao cho cung cấp đủ 1.000mg canxi mỗi ngày.
- Vận động phù hợp với lứa tuổi. Bạn nên chọn những môn thể thao vừa sức như đi bộ, đạp xe đạp… và chỉ tập khi trời đã sáng, không tập vào lúc 4-5 giờ, trời còn tối.
- Có cuộc sống lành mạnh, hạn chế những thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá, nghĩ tích cực và cẩn thận khi dùng bất cứ loại thuốc nào. Trước khi dùng, bạn cần hỏi bác sĩ thuốc có ảnh hưởng đến xương hay không và tìm loại thay thế an toàn hơn cho hệ xương.
Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động chương trình hành động "Vì xương chắc dáng khỏe" vào ngày 17/3 vừa qua và ra mắt câu lạc bộ Nơ xanh với sự tài trợ của công ty Abbott. Tham gia câu lạc bộ tại trang web www. facebook.com/xuongchacdangkhoe, bạn sẽ được cập nhật những thông tin mới, phương pháp tập luyện và tư vấn của chuyên gia sức khỏe về xương. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức hội thảo liên quan đến dinh dưỡng phụ nữ, kiểm tra sức khỏe định kỳ miễn phí. Độc giả có thể trao đổi thông tin qua địa chỉ email clbnoxanh@xuongchacdangkhoe.com.vn. Nhân dịp này, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam công bố chương trình khám sức khỏe xương miễn phí cho hơn 100.000 phụ nữ trên cả nước. Các đợt khám sẽ diễn ra lần lượt trong năm 2013. |
Ngọc Bích