SARS ảnh hướng lớn đến ngành du lịch của một số nước trong vùng dịch. |
Tất cả số bệnh nhân viêm phổi lạ ở Nội Mông đều tập trung ở thủ phủ Hohhot. Trong số đó, 9 người bị lây nhiễm từ người thân trong gia đình và 1 trường hợp là nhân viên y tế. Tin mới nhất là 2 bệnh nhân trong đó đã bình phục và đang chờ ra viện.
Như vậy đến nay, đất nước đông dân nhất thế giới đã có 60 ca tử vong và khoảng 1.300 người nhiễm bệnh, rải rác ở 6 tỉnh.
Đã gần 1 tháng kể từ ngày WHO ban bố lệnh báo động toàn cầu về dịch viêm phổi lạ, SARS gây nên nỗi khiếp sợ ở nhiều nước châu Á. Các chuyên gia của WHO nhận định một số quốc gia như Canada, Singapore ... đang giành được thế chủ động trong cuộc chiến với SARS. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nỗi lo ngại lớn nhất. Tiến sĩ David Heymann, người đứng đầu nhóm chuyên về bệnh truyền nhiễm của WHO cho biết: “Hệ thống kiểm soát ở một số tỉnh Trung Quốc không đủ mạnh để phát hiện tất cả các trường hợp nhiễm bệnh”.
Trong khi đó, cơ chế lây lan của SARS vẫn chưa được làm sáng tỏ. Các nhà nghiên cứu không loại trừ một khả năng nào, từ một số động vật như mèo, chuột, gián ... cho đến sự rò rỉ đường ống dẫn chất thải. Hiện Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Mỹ đã loại bỏ sự tham gia của loài gián vì họ không thấy virus SARS trú ngụ trên sinh vật đó.
Cùng trong lúc này lại xuất hiện thêm một số đối tượng nghi vấn khác như một loài chuột chuyên reo rắc hantavirus gây bệnh hô hấp chết người, và bọ chét gây sốt phát ban. Hiện các chuyên gia đang tìm hiểu sâu hơn theo hướng này.
Mỹ Linh (theo Reuters)