Một nhân viên y tế đứng trước tượng nữ thần hộ mệnh tại một bệnh viện ở Toronto, Canada. |
Tuy vậy, theo một bác sĩ của tổ chức này, Mike Ryan, vẫn còn nhiều trường hợp bệnh chưa được xác định tại Trung Quốc, và WHO cần phải làm việc thêm với chính phủ cùng các chuyên gia nước này để xác minh tình hình. "Chúng tôi đã nghe những báo cáo mâu thuẫn nhau từ các nhân viên y tế, nói rằng những gì xảy ra ở Bắc Kinh nghiêm trọng hơn lời tuyên bố của chính phủ nước này", Ryan nói. Người ta vừa phát hiện thêm 19 ca bệnh mới, đưa tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc lên 1.309, trong đó 58 tử vong.
Hôm qua, một nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc đã phản đối tuyên bố của chính phủ rằng nạn dịch đã được kiểm soát thành công trong nước. "Nhìn từ quan điểm y học, căn bệnh này chưa hề được kiểm soát, bao gồm cả Hong Kong. Nguồn gốc của căn bệnh vẫn chưa xác định được vì thế làm sao có thể nói nó đã được kiểm soát. Chúng ta không thể dùng từ kiểm soát mà cần phải nói khách quan rằng căn bệnh đã được kiềm chế hiệu quả", Zhong Nanshan, Giám đốc Viện Nghiên cứu bệnh về đường hô hấp nói.
Chỉ ở riêng Bắc Kinh, 6 người ngoại quốc đến từ Phần Lan, Canada, Hong Kong, Macau và Đài Loan đã nhiễm SARS, còn 9 người ngoại quốc khác cũng đã nhập viện vì bị nghi nhiễm căn bệnh này.
Ở Hong Kong, các quan chức y tế báo cáo thêm 2 ca tử vong vì SARS và 61 ca nhiễm mới, đưa tổng số trường hợp tử vong ở lãnh thổ này lên 33 và tổng số ca nhiễm lên 1.060.
Nhằm giải quyết mối lo ngại rằng khách du lịch Hong Kong sẽ truyền bệnh ra nước ngoài, một quan chức Hong Kong tuyên bố bắt đầu từ 12/4, chính phủ sẽ cấm những ai có tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân SARS rời khỏi Hong Kong. Hai hãng hàng không nước này - Cathay Pacific và Dragonair - cũng tuyên bố đã hoãn các chuyến bay tới Malaysia, phản ứng lại quyết định của Kuala Lumpur từ chối tiếp nhận khách du lịch Hong Kong và Trung Quốc.
Ở Singapore, nơi 9 người đã chết vì SARS và 133 ca được ghi nhận, công ty sở hữu con tàu du lịch Superstar Virgo vừa cho biết 2 thành viên trên con tàu đã nhập viện vì nghi nhiễm SARS, một ở Singapore và một ở Malaysia. Con tàu này sẽ được khử trùng và hành khách sẽ được khám soi để phát hiện các triệu chứng của SARS.
Trong khi đó Indonesia và Philipines cũng công bố ca nghi nhiễm SARS đầu tiên. Ở Indonesia, một người đàn ông Anh 47 tuổi từng đến Hong Kong và Singapore đang nằm viện ở Jakarta. Còn tại Philippines, một người ngoại quốc 64 tuổi bị coi là ca nhiễm SARS đầu tiên nhưng người này đã hồi phục.
Ở châu Âu, nhiều ca nhiễm mới được ghi nhận: ca thứ 6 ở Anh, thứ 6 ở Thuỵ Sĩ và thứ 5 ở Pháp. Tại Canada, nơi 253 trường hợp mắc và 10 ca tử vong được báo cáo, một trường học thứ 3 ở Toronto đã phải đóng cửa, sau khi một học sinh bị nghi nhiễm SARS tham dự một kỳ thi của trường.
Đến nay, ít nhất 117 ca tử vong trên thế giới đã được khi nhận sau khi nạn dịch SARS bùng phát: 58 ở Trung Quốc, 33 ở Hong Kong, 10 ở Canada, 9 ở Singapore, 4 ở Việt Nam, 2 ở Thái Lan và 1 ở Malaysia.
Minh Thi (theo AFP)