Bệnh nhân là ông Chu Văn Lưu, 53 tuổi (Kim Bảng, Hà Nam). Viên sỏi sau khi lấy ra có hình tròn, đường kính khoảng 10 cm, nặng gần 400 gram.
Viên sỏi được lấy ra từ bàng quang của bệnh nhân sau ca mổ.Ảnh: Đức Trung. |
Bệnh nhân đến khám vì bị đi tiểu buốt và ra máu, trước đây, vì làm nông nên ông chưa có điều kiện khám bao giờ. Khoảng 10 năm nay, ông thường xuyên tiểu đêm nhiều lần, có khi dậy mấy chục lần. Bệnh nhân cũng cho biết chần chừ đi khám vì không thấy đau và mỗi lần bị đái rắt thường mua thuốc nam uống thấy dễ chịu nên thôi.
Theo tiến sĩ Dương Văn Trung, trưởng khoa ngoại Bệnh viện Bưu điện, bệnh sỏi bàng quang gặp nhiều, nhưng sỏi có kích thước lớn như bệnh nhân trên thì hiếm.
Bác sĩ Trung khuyến cáo, các bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu nên đi khám định kỳ, hoặc khi có các triệu chứng bất thường như đau, tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu… thì cần sớm đến cơ sở y tế siêu âm và chụp phim để phát hiện và điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị bằng thuốc nam.
Theo ông, đối với bệnh sỏi bàng quang nói riêng và sỏi tiết niệu nói chung, nếu phát hiện sớm, sỏi nhỏ thì tán sỏi rất đơn giản và bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau khi điều trị. Nếu để muộn, sỏi có thể gây nên các biến chứng như viêm nhiễm và dẫn đến suy thận... khi đó, việc điều trị sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Trung Dũng