Gặp cụ bà Việt Nam cao tuổi nhất thế giới
Chúng tôi được phép vào thăm bà cụ Trù đang ngồi trên chiếc võng bằng nilon cạnh chiếc giường ngủ của cụ ở nhà sau. Thấy khách lạ, bà cụ 122 tuổi mặc bộ quần áo bằng vải cười rất tươi, hết nhìn người này đến nhìn người khác, nhưng không nói câu nào. Người thân của cụ Trù cho biết, khoảng 2 năm nay chân tay bà cụ mới bị yếu do teo cơ, đi đứng khó khăn và bị lẫn trí. Trước đó, ai đến thăm bà cụ Trù cũng đều hỏi han mọi chuyện, rất tỉnh táo. Tuy trí nhớ bị lẫn lộn vì cao tuổi, nhưng sức khỏe bà cụ Trù còn rất tốt.
“Mỗi khi trở trời, đặc biệt là những tháng mùa lạnh thì người già thường hay đau nhức xương khớp, chân tay. Nhưng bà nội tui thì chẳng thấy than vãn đau nhức bao giờ. Khi đau mỏi chân hoặc tay là bà lấy tay còn mạnh đập đập vào nơi đó, vậy là con cháu biết ý mang dầu nóng xức cho bà, vài hôm sẽ khỏi. Từ hồi tui về làm dâu nhà này rồi nghe cha mẹ chồng kể lại, mấy chục năm qua bà nội tui hầu như không bao giờ đến bệnh viện trị bệnh. Mỗi khi bị cảm, ho, nóng sốt thì con cháu cứ chạy ra tiệm thuốc Tây ngoài quốc lộ 50 mua thuốc cho cụ uống là khỏi bệnh. 2 năm trước, bà nội bị ốm nặng, nhưng cũng không chịu đến bệnh viện, chỉ mua thuốc Tây ngoài tiệm uống rồi khỏe đến giờ. Gần đây nhất, hôm cha chồng tui qua đời, bà nội tui đột nhiên bị sưng chân và 1 bên mặt, nhưng cũng mua thuốc Tây ngoài tiệm uống vài bữa là khỏi”, chị cháu dâu của bà Trù kể.
Theo những người thân của cụ Trù, tuy lớn tuổi nhưng bà cụ vẫn còn ăn uống rất tốt. Hiện nay cụ không tự ăn cơm được mà con cháu phải đút. Hàng ngày, mỗi sáng con cháu cho cụ Trù ăn sáng với cháo thịt bằm; buổi trưa và chiều thì ăn cơm chan canh và thịt xé nhỏ. Điều đặc biệt là cơm phải để nguyên hạt chứ không được nghiền ra cho nhuyễn như những người già khác. Xen giữa các bữa ăn chính thì trong nhà lúc nào cũng có bánh ngọt, sữa, nước ngọt hoặc các loại trái cây có vị ngọt để bà cụ Trù ăn thêm.
“Bà nội tui rất thích ăn các món có vị ngọt nên con cháu luôn trữ sẵn trong nhà dành cho nội. Chỉ có điều duy nhất là giấc ngủ của nội khá thất thường, nội muốn ngủ lúc nào thì ngủ, muốn thức lúc nào thì thức. Nhiều đêm mới 1-2 giờ sáng là nội đã thức dậy rồi”, cháu dâu cho cụ biết.
Sống đại thượng thọ nhờ không giận ghét ai
Người thân của cụ Trù cho biết, hiện nay họ không nhớ được bà cụ ở nơi nào thuộc huyện Cần Giuộc, nhưng có nghe kể lại là ngày xưa cụ Trù là 1 thôn nữ giỏi giang, xinh xắn ở Cần Giuộc. “Lúc cha chồng tui còn sống, tui nghe cha kể rằng hồi xưa bà nội tui rất giỏi cấy lúa và tất cả những việc đồng áng, lại còn bắt cá tôm dưới sông rất giỏi. Chính vì giỏi giang, xinh đẹp có tiếng nên ông nội trong những lần đi xuống Cần Giuộc cày ruộng thuê đã đem lòng yêu thương bà nội tui. Nên ông nhất quyết phải xin gia đình đi hỏi cưới bằng được bà nội tui về làm vợ, nếu không cưới được thì không chịu cưới ai khác”, cháu dâu kể.
Sau khi lấy chồng, bà cụ Trù theo chồng về xã Đa Phước (lúc đó là Sài Gòn, cách trung tâm huyện Cần Giuộc không xa) sinh sống. 2 vợ chồng cụ Trù vẫn làm ruộng, bắt cá, tôm, nuôi con khôn lớn. Theo chị cháu dâu của cụ Trù thì 2 vợ chồng cụ có tổng cộng 11 người con và nhiều năm nay bà cụ sinh sống chung nhà với người con trai út là ông Phương (vừa mới qua đời), còn cháu chắt thì không thể đếm xuể.
Giải thích về nguyên nhân bà cụ Trù sống đến ngưỡng đại thượng thọ, xưa nay rất hiếm, con cháu của cụ cho biết: Từ ngày xưa đến giờ bà cụ hầu như không giận ghét ai để bụng! Nếu bà có giận ai thì cũng không quá 1 ngày là hết giận, nên trong lòng luôn thanh thản, vui tươi. Sức khỏe bà cụ dẻo dai có thể là do nhiều năm liền từ thời thanh xuân bà đã gắn bó với công việc đồng áng và chỉ sử dụng những thực phẩm do tự tay mình làm ra (lúa gạo tự trồng, rau hái ngoài đồng ruộng, cá tôm bắt dưới sông rạch...). Những người cháu của cụ Trù còn cho biết, lúc bà cụ đã ngấp nghé trăm tuổi thì hàng ngày vẫn đi tới đi lui tập thể dục đều đặn để giữ gìn sức khỏe.
Theo con cháu bà cụ Trù, có lẽ những yếu tố trên đã giúp cho bà cụ sống thanh thản, mạnh khỏe. Hiện nay những thông tin về cuộc đời của bà cụ Trù chỉ là các câu chuyện góp nhặt từ những lời kể của người lớn tuổi. Bản thân bà cụ Trù thì những năm gần đây hoàn toàn không nhớ chút gì về chuyện ngày xưa.
An Hòa / Theo Tuổi Trẻ & Đời Sống