Ngày 12/7, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết đến nay tổng số ổ dịch nhỏ ở Phú Yên là 60. Trong đó huyện Đồng Xuân đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại thôn Long An, thị trấn La Hai. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.291 ca sốt xuất huyết, trong đó 2 bệnh nhân tử vong. Theo giám sát của Viện Pasteur Nha Trang, Phú Yên có tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết trên 100.000 dân đứng thứ hai khu vực miền Trung, sau Khánh Hòa.
Bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết ở Phú Yên. Ảnh: Thiên Lý. |
Tại xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa, Phú Yên), nơi ghi nhận ca tử vong thứ hai do sốt xuất huyết, người dân đang rất lo lắng và ý thức hơn trong việc vệ sinh nơi ở, chủ động diệt bọ gậy như khai thông cống rãnh, thu gom các vật dụng chứa nước ngoài trời, nước sinh hoạt đựng lâu ngày. “Liên tục mấy ngày nay, chính quyền địa phương tập trung phối hợp với ngành y tế bàn các biện pháp và triển khai thực hiện công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn”, ông Khương nói.
Ở góc độ điều trị, sự chủ quan của người nhà và bệnh nhân cũng khiến bệnh diễn biến xấu. Hầu hết bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện khi đã có biểu hiện xấu. Trước đó họ thường tự điều trị bằng các phương thuốc dân gian như uống lá, thuốc tiêu ban lộ, ngựa bay… thậm chí chủ động đề nghị các cơ sở điều trị tư nhân chuyền dịch.
Phun thuốc khử trùng, diệt loăng quăng để phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Thiên Lý. |
Bác sĩ CK1 Ung Trinh Chi, Phó trưởng khoa Nội, Bệnh viện đa khoa huyện Đông Hòa than phiền: “Hầu hết bệnh nhân nhập viện khi tình trạng đã xấu đi, nhiều trường hợp phù đa màng, phù phổi, dịch ổ bụng… do lạm dụng việc chuyền dịch ở những cơ sở chữa bệnh không phép khiến công tác điều trị khó khăn, thời gian chữa kéo dài”.
Hai trường hợp tỉnh đã ghi nhận tử vong do sốt xuất huyết là bệnh nhi 4 tuổi Lê Phan Quốc Nin ở Hòa Hiệp Trung và Trần Như Sơn (40 tuổi) ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa tử vong. Một người khác ở Hòa Xuân Tây tử vong tại nhà nghi do sốt xuất huyết.
Thiên Lý