Đây là nhận định của giám đốc một quỹ đầu tư khởi nghiệp, thế nên, các startup Việt cần phải lưu tâm. Vì sao? Vì nhà đầu tư thông minh và dày dặn kinh nghiệm lựa chọn đối tác, luôn đòi hỏi yếu tố đổi mới, sáng tạo từ các startup khi rót vốn.
Hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất, startup phải bắt đầu từ sáng tạo. Và, khi hiện thực ý tưởng có yếu tố sáng tạo, người ôm mộng khởi nghiệp phải có cách nghĩ của một doanh nhân, tức là luôn tìm cách bán được hàng, phát triển thị trường và quản trị tài chính.
Nếu chỉ có một sáng tạo dừng lại ở mức “đăng kí sở hữu trí tuệ” thì chủ nhân ý tưởng chưa thể bước vào thương trường, chưa dụng các “võ” kinh doanh.
Phạm Duy Hiếu, Giám độc Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Startup Việt đang có rất nhiều ý tưởng hay và sớm hiện thực hóa ở mảng thương mại điện tử. Xét một cách công bằng, thương mại điện tử của Việt Nam không thể hiện tính tiên phong so với những startup trên thế giới, mà đi sau. Thế nên, ở lĩnh vực này, startup Việt đã có những mô hình mô phỏng theo các startup nước ngoài.
Nguyễn Huy Hoàng, hiện đang là CEO của một startup dạng thương mại điện tử ở lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, khi nói về khả năng gọi vốn cho doanh nghiệp của mình, đã chia sẻ: “Tương đồng về mô hình của chúng tôi, có một startup ở Pháp vừa được nhận 2 triệu USD từ nhà đầu tư”. Chưa vội kết luận ai bắt chước ai, nhưng thực tế, đối thủ cạnh tranh của startup Việt này, đã có lợi thế cạnh tranh sớm hơn và đã gọi được vốn.
Các nhà đầu tư rất quan tâm đến những sáng tạo đột phá tích tụ trong một startup Việt hiện nay. Theo ông Phạm Duy Hiếu, những doanh nghiệp bắt chước startup nước ngoài thì giai đoạn đầu có thể thành công nhưng về lâu về dài thì sẽ tụt hậu. Và, khi doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh ngay tại thị trường Việt Nam, thì startup rất dễ thua ngay trên sân nhà!
Giới đầu tư cho các startup luôn săn tìm những startup có tính đột phá và đem lại lợi nhuận cao trong một khoảng thời gian ngắn. Như Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã có những mục tiêu rõ ràng khi hỗ trợ các nhà khoa học, các start-up khoa học công nghệ có thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mở rồng rộng quy mô, phát triển sản phẩm mới. Các startup ở mảng khoa học công nghệ luôn hàm chứa những đột phá về công nghệ, thế nên, mức độ thành công khi gọi vốn cao hơn so với những doanh nghiệp khởi nghiệp đi theo lối mòn.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA.
Hơn 30 năm nghiên cứu khoa học và hơn 20 năm là doanh nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe đã sáng lập và phát triển thành công thương hiệu sơn KOVA. Đây chính là hình mẫu điển hình nhất của một doanh nghiệp khởi nghiệp từ những kết quả nghiên cứu khoa học mang tính đột phá về sơn. Đặc biệt, nhà khoa học là Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA này đã nghiên cứu thành công sơn Nano, Kova là công ty đầu tiên ra dòng sơn Nano tại thị trường Việt Nam, hiện nay đã xuất khẩu ra các thị trường như: Malaysia, Singapore, Indonesia, Lào, Campuchia, Nga và Hoa Kỳ.
Cách đây 3 năm, Topica Founder Institute đã thống kê về các mô hình khởi nghiệp, cho thấy, 100% các startup này đều học hỏi và bản địa hoá từ mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài. Tại thời điểm này, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi sự thay đổi “đúng chất” trong nội lực, đòi hỏi các startup Việt phải bước qua lối mòn, không “sao chép”. Và, tín hiệu từ nhà đầu tư đã phát ra: Startup là phải sáng tạo.