Bạn từng nghe về sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang… đây là những cặn bã đọng lại trong cơ thể, do không được tống khứ ra ngoài nên đọng lại thành các cục sỏi. Khỏi phải nói những cục sỏi này khi xuất hiện quá nhiều hoặc quá to, nó sẽ gây ra những cơn đau âm ỉ đến vật vã cho chúng ta. Nhưng chí ít, nó chỉ đau chứ không phát ra mùi như loại sỏi kinh dị bạn sẽ được biết dưới đây: sỏi amidan.
Cục sỏi amidan vô hại nhưng chúng gây ra mùi lợi hại vô cùng, khiến các đối thủ của bạn chạy xa hàng cây số.
Ưu ái gọi nó là tạo vật, bởi nó nằm ngay trong khoang miệng của con người, một loại sỏi mềm như sáp, màu trắng đục, được hình thành do canxi, thức ăn thừa trong khoang miệng tích tụ lại.
Sỏi Amidan (tonsil stone), hay còn gọi là bã đậu amidan, xuất hiện xung quanh 2 túi amidan trong vòm họng. Quá trình hình thành của loại sỏi này diễn ra khá nhanh chóng, khi chúng ta nhai và nuốt bất kỳ thứ gì, một phần nhỏ sẽ tắc lại trong hốc amidan. Cùng với tế bào chết từ cơ thể, chúng sẽ dần hóa cứng do sự thâm nhập của muối vô cơ và tạo thành sỏi.
Cận cảnh một cục sỏi amidan trong miệng.
Amidan được xem như một tấm chắn bảo vệ cơ thể con người, nó được ví như một tấm lưới của các tế bào lympho trong họng, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn đối với cơ thể. Khi bạn vô tình mang sỏi amidan, tấm lưới này sẽ nặng hơn, yếu hơn trước sự tấn công dữ dội của đội quân vi khuẩn răng miệng. Chúng sẽ cắn phá các viên sỏi, tạo ra mùi nồng nặc đến khó chịu. Thực chất, mùi này chính là khí sulfur, khiến bất cứ ai cũng phải nhăn mặt mỗi khi bạn hé miệng.
Chưa kể, nếu bị nhiều sỏi, amidan của bạn sẽ gặp hạn, cơ thể sẽ gặp những triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau họng, ù tai…
Sỏi amidan khiến chính bạn cũng nhận ra hơi thở bốc mùi của mình.
Cách điều trị
Sỏi amidan không hề hiếm gặp. Trong một cuộc nghiên cứu được tiến hành trên 150 người, 24% số này được phát hiện có sỏi trong miệng. Để tự lấy các sỏi amidan, bạn có thể khò họng bằng nước muối sinh lý ấm nhiều lần mỗi ngày. Trong những đợt nhiễm trùng cấp, cần sử dụng kháng sinh phù hợp.
Dụng cụ nạo sỏi.
Sỏi bên trong amidan có thể được loại bỏ bằng một ngón tay sạch hoặc một đầu dụng cụ cùn. Nhưng bạn chỉ có thể lấy sỏi nhỏ nằm ở ngay miệng hốc amidan, còn đa phần phải nhờ đến các bác sĩ tai - mũi - họng.
Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ lấy sỏi bằng curette (thìa nạo), probe (dụng cụ thăm dò) hoặc rạch mở miệng bằng crypt gắp sỏi, thậm chí cắt bỏ amidan. Nếu bệnh cứ lặp đi lặp lại gây nhiều phiền toái thì phẫu thuật cắt amidan là điều khó tránh.