Thủ tướng Canada đến Chinatown để xoá bỏ lo ngại về SARS
Thủ tướng Jean Chretien ăn trưa tại một nhà hàng Trung Quốc ngày 10/4, cùng Chủ tịch Phòng Thương Mại Trung Quốc (trái). |
Sự việc đã trở nên nhạy cảm tại khu vực Chinatown vốn rất đông vui nhộn nhịp. Các quan chức cho biết người Trung Quốc ở đó đang bị tẩy chay do bị buộc tội phát tán căn bệnh chết người. Việc kinh doanh ở khu vực này đã giảm tới 70% từ khi khủng hoảng xảy ra.
Đến nay 10 người Canada đã chết vì căn bệnh lạ xuất phát từ châu Á. Hàng nghìn người, hầu hết ở Toronto, đã bị cách ly tại nhà. Số ca nhiễm SARS ở nước này đã lên tới 253 tính đến hôm nay.
Trước tình hình này, cơ quan y tế của Canada đã ra lệnh trì hoãn việc hiến máu từ những người đã đi qua các khu vực bị nhiễm SARS bên ngoài Canada. Bác sĩ Paul Gully cho biết, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy SARS được truyền qua máu hoặc các thành phần máu, Bộ Y tế Canada vẫn chỉ thị cho các tổ chức điều hành tạm thời hoãn việc hiến máu ngay ở những người thuộc các diện sau:
1) Trong vòng 10 ngày trở lại đây đã du lịch tới những khu vực nhiễm SARS ngoài Canada. Các khu vực đó bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Hà Nội (Việt Nam), Singapore và Đài Loan.
2) Từng là bệnh nhân, làm việc hoặc đến thăm các cơ sở y tế đang bị cách ly vì SARS.
Theo các quan chức y tế, Canada - nơi có nhiều trường hợp nhiễm SARS nhất ngoài châu Á - là quốc gia đầu tiên quyết định ngừng hoạt động hiến máu vì SARS.
Tại Mỹ, số bệnh nhân bị nhiễm SARS được ghi nhận là 166, trong đó 60 người đã nhập viện. Chưa có ca tử vong nào. Trong số 30 bang thông báo có trường hợp SARS, California là tồi tệ nhất, tiếp đến là New York và Washington.
Trên thế giới hiện có 112 người bị chết và khoảng 3.000 người nhiễm bệnh bởi SARS, trải rộng trên khoảng 30 nước.
Minh Thi (theo Reuters)