Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, việc tiêm văcxin không đủ liều lượng sẽ không đủ lượng kháng nguyên để kích thích cơ thể tạo miễn dịch đầy đủ. Điều này cũng giống như việc không tiêm nhắc lại thì không có tác dụng, dù có miễn dịch nhưng không đủ để bảo vệ.
“Nếu số văcxin thừa trong lọ lại được tái sử dụng để tiêm cho trẻ khác thì rất nguy hiểm. Văcxin vốn bảo quản trong dây chuyền lạnh, nếu để ngoài môi trường sẽ hỏng, vô tác dụng", phó giáo sư Dũng nói.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia khác về văcxin tại Hà Nội cho rằng, việc tiêm không đủ liều lượng thì chắc chắn chưa đáp ứng đầy đủ miễn dịch, có trường hợp đáp ứng sẽ giảm rất nhanh. Theo quy định phải tiêm 3 liều mới có miễn dịch hoàn chỉnh, tiêm chưa đầy đủ chắc chắn miễn dịch sẽ giảm. Vấn đề giảm bao nhiêu % thì không ai nói được mà cần nghiên cứu kỹ, nó không tỷ lệ thuận với lượng văcxin được tiêm.
Trẻ cần được tiêm đầy đủ liều lượng văcxin mới có tác dụng bảo vệ hoàn chỉnh. Ảnh minh họa: Dương Ngọc. |
Trước ý kiến cho rằng cần tiêm bù cho trẻ bị "ăn bớt" văcxin, vị chuyên gia này cho rằng, mọi văcxin khi đưa vào cơ thể đều theo quy trình rất nghiêm ngặt. Phác đồ đưa ra liều lượng một lần tiêm, khoảng cách giữa các lần tiêm, tiêm bao nhiêu mũi... đều phải được đánh giá rất kỹ. Vì thế, việc tiêm thêm văcxin bù chưa thể nói là tốt hay không vì cần phải đánh giá, nghiên cứu bài bản.
"Ai nói tiêm thêm sẽ tốt hơn là không phải, ngược lại chưa chắc đã tốt, đã hiệu quả. Chỉ đơn giản số lần tiêm cũng đã chỉ định nghiêm ngặt chứ chưa nói đến liều lượng. Nhà sản xuất kết luận là tiêm 0,5 ml thì phải chích 0,5 ml mới đạt hiệu quả, còn ít hay nhiều hơn thì chưa thể kết luận được", vị chuyên gia này lý giải.
Cũng theo chuyên gia này: "Nếu thực sự có chuyện 'ăn bớt' văcxin thì một cá nhân không thể làm được, mà phải tập thể, có chủ trương hẳn hoi. Nếu có chủ trương thì mấy trăm cán bộ làm ở đấy sẽ lộ ra ngay".
Trong khi đó, một bác sĩ giàu kinh nghiệm của Hà Nội (giấu tên) khẳng định: "Có thể nhân viên tiêm ngừa hôm đó đã cố tình, bởi không thể có chuyện thuốc 0,5 ml lại chỉ tiêm cho trẻ 0,3 ml. Về nguyên tắc tiêm thuốc là phải đủ liều. Nhân viên y tế nào cũng biết điều này. Không ai lại tiêm không đủ liều cả. Việc dùng xilanh rút thuốc ra khỏi lọ không khó, người làm lâu năm đều thành thạo việc này. Tiêm thiếu thuốc là vô nhân tính, không có đạo đức. Ngành y tế cần kiểm tra lại chặt chẽ quy trình tiêm chủng".
Tại phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh chiều 9/5, quy trình tiêm được thực hiện như sau: Trẻ được đo nhiệt độ và tư vấn tại bàn trước cửa phòng tiêm - người nhà vào đăng ký mũi tiêm rồi nộp tiền, nhận phiếu và chờ đến lượt - Khi gọi đến tên, người nhà bế bé vào khu vực tiêm - Nhân viên đưa cho người nhà xem hộp đựng thuốc, lấy lọ thuốc ra, dùng xi lanh rút thuốc từ trong lọ, tiêm cho trẻ, vứt vỏ lọ thuốc vào thùng rác - Nhân viên đưa vỏ hộp thuốc cho khách hàng.
Quy trình này tương tự như ở các điểm tiêm chủng khác, như tại phòng tiêm chủng quốc tế Trần Bình (Hà Hội). Trong vụ việc tiêm thiếu xảy ra hôm 19/4 tại trung tâm 70 Nguyễn Chí Thanh, bố cháu bé bị tiêm thiếu đã quan sát thấy người tiêm không vứt vỏ lọ thuốc vào thùng rác, mà bỏ vào chiếc hộp đựng ticke trên bàn.
Trước lo lắng của nhiều cha mẹ về nguy cơ con bị ảnh hưởng do tiêm văcxin thiếu liều, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm y tế dự phòng hà nội cho biết: "Chúng tôi có trách nhiệm với những trẻ đã được tiêm chủng. Trẻ đã tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh, nếu liên quan đến việc tiêm chủng tại trung tâm thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về trường hợp đó".
Cũng theo ông Cảm, nếu có thắc mắc, người dân có thể gọi điện theo 3 số điện thoại cũ được dán tại phòng tiêm chủng của trung tâm và trên sổ tiêm chủng, hoặc gọi theo số mới 0439035688. Người dân cũng có thể gọi theo số điện thoại nóng 0913513616 (cho ông Cảm), 0915421888 (ông Hùng, trưởng phòng truyền nhiễm, văcxin). Trung tâm cũng đã tăng cường thêm 3 bác sĩ tại mỗi phòng tiêm để làm nhiệm vụ trực điện thoại, tư vấn cho khách hàng.
Hiện tại, vào đầu mỗi ngày, trung tâm tiêm chủng đều kiểm kê số văcxin phát ra, cuối ngày thống kê số đã dùng, số còn lại, số trẻ tiêm, số tiền, số ticke phát. Sau đó bộ phận khác kiểm tra lại thấy khớp thì sẽ bàn giao, tất cả ghi vào biên bản. Các vỏ lọ thuốc tiêm đều cho vào túi, lưu giữ trong vòng 14 ngày, ngày thứ 15 mới được hủy. Mỗi trẻ là một vỏ lọ văcxin. Sau khi tiêm, người dân được cầm vỏ hộp, còn vỏ lọ có thể yêu cầu được xem nhưng không được cầm về vì phải lưu.
"Văcxin tiêm cho trẻ được bảo quản theo dây chuyền lạnh ở nhiệt độ 2-8 độ C, về nguyên tắc lọ văcxin đã mở không được phép tiêm cho trẻ khác. Do chưa xảy ra trường hợp này nên tôi không thể đánh giá được chính xác mức độ tác hại là thế nào. Tuy nhiên, với quy trình tiêm chủng như hiện nay tôi khẳng định việc tái sử dụng văcxin thừa cho trẻ khác là rất khó xảy ra", ông Nguyễn Nhật Cảm nói.
Sở Y tế Hà Nội đã họp với 29 trung tâm y tế quận huyện, yêu cầu rà soát chấn chỉnh công tác tiêm chủng.
Trước đó, ngày 19/4, anh Lam quê Vĩnh Phúc đưa con đi tiêm văcxin dịch vụ mũi 5 trong 1 tại trung tâm y tế 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Anh phát hiện nhân viên y tế chỉ rút 2/3 số thuốc trong lọ, rồi để vỏ lọ vào chiếc hộp ticke trên bàn. Anh đã gọi cơ quan chức năng đến lập biên bản. Cơ quan chức năng thừa nhận có sai sót này.
Nam Phương - Minh Thùy