Đây là loại vi khuẩn thường tìm thấy trong phân người, phân gia súc. Tuy nhiên phần lớn người bán thức ăn đường phố đều không quan tâm đến điều đó mà vẫn dùng tay không để bốc thức ăn cho khách hàng.
Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết vào cuối tuần qua.
100% tờ tiền dưới 2000đ nhiễm khuẩn E.coli gây tiêu chảy. Ảnh: K.T |
Vi khuẩn E.coli được đánh giá là một trong những loại vi khuẩn có hại nhất trên thế giới, bởi nó là nguyên nhân của 1/3 ca bệnh tiêu chảy trên thế giới. Hơn nữa loại vi khuẩn này không chỉ gây bệnh mà còn có thể gây tử vong cho người bị nhiễm. Chỉ cần một lượng nhỏ vi khuẩn đã có khả năng gây bệnh nặng. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất và dễ tiến triển tới hội chứng tan huyết suy thận cấp (HUS). Người già cũng có nguy cơ biến chứng cao.
Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy khuẩn E.coli được tìm thấy trong thực phẩm, trong nước và lây truyền từ người sang người. Con người hoàn toàn có thể bị nhiễm E.coli do tiếp xúc, uống nước hay ăn thức ăn bị nhiễm phân (có thể là phân người và phân động vật, kể cả gia cầm).
Trong thực phẩm: E.coli có thể xâm nhập vào thịt gia cầm hay thịt lợn trong quá trình làm thịt. Gia súc là ổ chứa vi khuẩn, đặc biệt là loài ăn cỏ nhai lại như trâu, bò, dê, cừu. Vi khuẩn cư ngụ trong đường ruột của những loài vật này và được đào thải ra môi trường qua phân của chúng. Nếu thịt bị nhiễm và không nấu chín (71°C), thì vi khuẩn có thể sống sót và thịt vẫn bị nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, một số thực phẩm cũng có thể bị nhiễm E.coli như rau cải và trái cây, và sữa tươi (tức sữa chưa được tiệt trùng bằng phương pháp Pasteur).
Trong nước uống, ăn: Phân người và động vật bị nhiễm E.coli có thể xâm nhập vào ao, hồ, sông, hay nói chung là nguồn nước sinh hoạt. Chúng ta dễ bị nhiễm E.coli khi tắm sông ở nguồn nước bị nhiễm khuẩn hay nước chưa được khử trùng bằng chlorine.
E.coli có thể lây truyền từ người sang người thông thường qua người không rửa tay sau khi đi tiểu tiện, đại tiện. Khuẩn cũng có thể lan truyền từ tay đến các vật dụng trong nhà, chẳng hạn như thớt dùng để chuẩn bị thức ăn. Hoặc lây từ bàn tay người bán hàng nhiễm khuẩn sang thực phẩm và vào cơ thể do dùng tay trần bốc thức ăn bán cho khách.
Triệu chứng chính khi bị nhiễm E.coli: Người bị nhiễm cũng có thể cảm thấy đau thắt bụng bị nôn mửa. Triệu chứng thường bắt đầu 3 hay 4 ngày sau khi bị phơi nhiễm. Phần lớn bệnh nhân hồi phục sau vài ngày hay một tuần sau khi mắc bệnh mà không cần đến bác sĩ vì họ không biết mình bị nhiễm E.coli. Ngoài ra, nhiều người bị nhiễm mà không có triệu chứng và cũng không mắc bệnh.
Tuy nhiên vẫn có một số bệnh nhân bị nhiễm E.coli nghiêm trọng (tức có thể làm rối loạn máu và suy thận), một số triệu chứng sau đây thường được ghi nhận:
- Da trở nên xanh xao.
- Cảm lạnh.
- Cảm thấy yếu cơ.
- Có những vết thâm tím trên người.
- Đi tiểu rất ít nước tiểu.
Đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều, kèm theo có thể có sốt hoặc nôn. Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày. Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tan máu suy thận cấp tăng urê huyết, đây là nguyên nhân chính gây tử vong (hay gặp ở trẻ nhỏ và người già).
Theo TS. Nguyễn Vân Trang - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để giảm nguy cơ bị ngộ độc thức ăn, nên tuân thủ những hướng dẫn sau:
- Luôn rửa tay trước khi chạm vào thức ăn. Không xì mũi cạnh nơi có thức ăn.
- Không để thú vật nuôi vào khu vực nhà bếp và bàn ăn khi đang ăn.
- Trữ thực phẩm cẩn thận, nhất là trong những tháng hè. Vi khuẩn nhân lên rất nhanh nếu thực phẩm bị nhiễm để quá 30 phút trong điều kiện nhiệt độ ấm. Luôn giữ nhiệt độ trong tủ lạnh từ 0-5oC.
- Luôn kiểm tra hạn sử dụng của thức ăn. Nếu qúa hạn sử dụng, vứt bỏ thực phẩm đi. Nếu thực phẩm có mùi hoặc không có cảm quan tốt, cũng cần loại bỏ.
Theo Kiến thức