Ảnh: SGTT. |
Đến khi đau mắt dữ dội, nhức đầu, nhìn đèn có quầng xanh đỏ... mới vội đi khám và hốt hoảng nghe chẩn đoán đã bị glôcôm do dùng cortisol.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, phó khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, glôcôm là bệnh khá phổ biến (dân gian thường gọi “thiên đầu thống” hay “cườm nước”), ước tính thế giới có hơn 60 triệu người mắc bệnh này. Những tổn thương bệnh gây ra không có khả năng hồi phục, do vậy glôcôm đang là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ hai trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Glôcôm do dùng cortisol được biết đến đã hơn 50 năm. Cơ chế phát bệnh được cho là do hoạt chất trên làm giảm khả năng phân hủy các nhầy mucopolysarcaride tại củng giác mạc, gây cản trở lưu thông dịch. Do vậy nhãn áp sẽ tăng cao, gây tổn hại cho các cấu trúc thần kinh của mắt. Điều đáng tiếc là glôcôm do cortisol lại hay xảy ra trên người trẻ nên sức tàn phá và di chứng của nó rất nghiêm trọng.
Khó phục hồi thị lực
Thuốc nào cũng vậy, tuy đã có hướng dẫn sử dụng và khuyến cáo cẩn thận, nhưng không thể tự sử dụng tùy tiện. Tất cả các đường dùng cortisol: tiêm, uống, bôi da, xịt mũi họng, tra nhỏ mắt... đều có thể gây glôcôm. Thời gian dùng hay liều dùng cũng rất khó đúc kết để khuyến cáo. Có người chỉ nhỏ một chai thuốc, nhãn áp đã cao vọt; có người dùng liên tục hàng năm mới sinh bệnh. Cho đến nay, các phương pháp điều trị chỉ giúp bệnh dừng tiến triển chứ không thể giúp lấy lại được sức nhìn như ban đầu. Do đó, việc phòng ngừa là rất quan trọng.
Không nên dùng thuốc theo kiểu mách bảo hay truyền miệng. Các thuốc có cortisol cần được bác sĩ chỉ định và dừng ngay khi đạt được hiệu quả điều trị mong muốn. Riêng với các thai phụ, dùng bất kỳ thuốc gì trong thời kỳ mang thai đều phải có chỉ định của bác sĩ vì rất nhiều thuốc ảnh hưởng không tốt cho thai, nhất là ở giai đoạn 0 - 3 tháng.
Bác sĩ là người nắm rõ tình trạng bệnh, sẽ cân nhắc giữa lợi và hại để quyết định dùng thuốc, do đó khi có các vấn đề về mắt, người dân cần sớm đi khám bệnh và nhận lời khuyên đúng đắn từ bác sĩ.
Theo Sài gòn Tiếp thị