Bàn chân của một người mắc bệnh gút mạn tính. |
Đến lúc này, ông Đ. mới đến khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM và được chẩn đoán là mắc bệnh gút ở giai đoạn nặng do uống rượu quá nhiều. Hiện ông phải điều trị nội trú tại khoa Nội cơ xương khớp.
Đó là một trong rất nhiều trường hợp mắc gút do bia rượu được phát hiện tại các cơ sở y tế. Tiến sĩ Lê Anh Thư, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, trước đây, bệnh gút được coi là hiếm gặp ở Việt Nam. Nhưng trong những năm gần đây, bệnh này có xu hướng tăng lên rất nhanh. Hiện trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho khoảng 20-30 người mắc gút. Trong các bệnh lý về khớp thường gặp tại đây, gút đứng thứ 3 sau thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp. Đa số bệnh nhân là nam giới độ tuổi 35-60 và từng uống bia, rượu rất nhiều.
Tiến sĩ Thư cũng cho biết, nguyên nhân gây bệnh gút là sự rối loạn chuyển hóa Purine, làm tăng lượng axit uric trong máu. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là những đợt viêm cấp ở một khớp (thường gặp nhất là khớp bàn ngón chân cái), xảy ra đột ngột (thường vào nửa đêm về sáng), sưng nóng, tấy đỏ, rất đau. Lúc đầu, bệnh có thể đáp ứng rất tốt với các thuốc kháng viêm, giảm đau nhưng sau đó tái đi, tái lại cùng với tình trạng viêm đau ngày càng nhiều. Khi chuyển sang mạn tính, sẽ xuất hiện các tophi (cục u) ở vành tai, quanh khớp, gây biến dạng, hạn chế vận động khớp và ảnh hưởng tới thận.
Dấu hiệu nhận biết bệnh gút:
- Là đàn ông trên 30 tuổi, có những đợt viêm khớp bàn ngón chân cái (hoặc khớp bàn ngón chân thứ 2, vùng bàn, vùng gối), tái đi, tái lại nhiều lần.
- Thường xuyên uống rượu, bia, ăn thực phẩm nhiều đạm và có biểu hiện viêm đau khớp, nhất là khớp bàn ngón chân cái, bàn chân, gối. Cơn đau thường khởi phát về đêm gây thức giấc, mức độ dữ dội nhưng giảm nhanh vài ngày sau cho dù không điều trị gì.
Trong một số trường hợp, gút xảy ra ở những người không ăn nhiều đạm hay uống nhiều rượu, bia.
Các giai đoạn tiến triển của bệnh
Tình trạng tăng axit uric máu đơn thuần thường bắt đầu từ tuổi dậy thì, có thể kéo dài 20-40 năm mà không có biểu hiện gì. Chỉ khoảng 10% phát triển thành bệnh gút với các biểu hiện lâm sàng dưới đây:
1. Cơn đau khớp gút cấp: Bệnh nhân đột ngột đau dữ dội kèm sưng tấy, nóng, đỏ, xung huyết... ở duy nhất 1 khớp, thường xảy ra về đêm. Triệu chứng viêm khớp tăng tối đa trong 24-48 giờ và kéo dài 3-10 ngày rồi tự khỏi hoàn toàn. Càng về sau, đợt viêm cấp càng kéo dài, không tự khỏi, không thành các cơn điển hình, biểu hiện ở nhiều khớp đối xứng và để lại các di chứng cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động.
2. Sự “im lặng đáng sợ” giữa các cơn viêm khớp gút cấp: Giữa các cơn đau khớp cấp là sự yên lặng. Khoảng cách giữa cơn đau đầu tiên và cơn thứ 2 có thể từ vài tháng đến vài năm, thậm chí hơn 10 năm. Càng về sau, khoảng cách này càng ngắn lại. Khi trở thành mạn tính, các cơn viêm khớp sẽ xảy ra liên tiếp và không khi nào đứt cơn.
3. Viêm khớp gút mạn: Viêm nhiều khớp, có thể đối xứng, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp... Xuất hiện các u cục (tophi), kích thước từ vài mm đến vài cm, không đau; dưới lớp da mỏng có thể nhìn thấy cặn trắng. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân có các biểu hiện toàn thân khác như thiếu máu mạn, suy thận mạn, rối loạn lipit máu, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh mạch vành...
Để dự phòng bệnh gút, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, nhất là những người bị tăng axit uric máu vì theo tiến sĩ Anh Thư, chỉ số axit uric máu càng cao, nguy cơ mắc bệnh gút càng nhiều. Những người này cần kiêng rượu, hạn chế các thức ăn chứa nhiều purine như tim, gan, lá lách, óc, trứng vịt lộn, cá trích, cá hồi, cá mòi. Ngoài ra, cần tránh làm việc quá sức, tránh stress. Đối với người đã mắc gút, cần tuân thủ ngặt nghèo hướng dẫn điều trị của bác sĩ trong ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc. Không được lạm dụng corticoide vì loại thuốc này sẽ làm bệnh diễn biến xấu hơn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm và khó kiểm soát các bệnh kèm theo.
Người Lao Động