Sau một đêm, anh Minh (Gia Lâm, Hà Nội) tự dưng có một vệt đỏ trên mặt, phồng rộp, ngứa, rát. Không tìm được bướm lạ, kiến ba khoang hay côn trùng nào bay vào nhà nên anh nghĩ mình bị zona thần kinh. Anh tự mua thuốc về bôi.
“Được 2 ngày, vùng da càng đỏ có vẻ lan rộng hơn. Bác sĩ khám xác định tôi bị viêm da tiếp xúc do côn trùng”, anh Minh cho biết.
Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện da liễu hà nội , bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng là hiện tượng viêm da cấp tính do chất tiết của côn trùng chạm vào da. Bệnh thường rải rác quanh năm, tập trung nhiều vào thời điểm vụ gặt, côn trùng hết chỗ trú bay theo ánh sáng vào nhà. Tuy nhiên năm nay các ca mắc xuất hiện sớm hơn.
Một bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do côn trùng. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Trong số những côn trùng gây bệnh có cả các loại bướm, bọ, kiến ba khoang... Khi côn trùng bay vào nhà, nhiều người vô tình để độc tố của chúng chạm vào da, gây kích ứng. Vùng da tiếp xúc với độc tố sẽ bị bỏng rát và đỏ.
Việc điều trị sớm bệnh rất đơn giản, có thể dùng các thuốc bôi làm dịu da, chống viêm. Nếu để bội nhiễm, người bệnh phải uống kháng sinh và có thể để lại sẹo. Nhiều trường hợp nhầm với zona, một bệnh da do virus.
“Nhiều người cứ thấy có mụn phồng rộp, đỏ trên người là nghĩ ngay đến zona, tự đi mua thuốc, thường là thuốc kháng virus. Bệnh không những không khỏi mà tổn thương càng đỏ hơn, nặng thì biến chứng nhiễm trùng”, bác sĩ Hùng cho biết.
Theo bác sĩ Hùng, biểu hiện đầu tiên của bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng là ngứa, rát chỉ sau vài phút tiếp xúc côn trùng, sau đó đỏ, phồng rộp lên. Tùy vào độc lực của côn trùng mà ảnh hưởng đến mức độ tổn thương da, nhẹ là rát, đau, nặng là đỏ, phồng rộp lên như bỏng, hoại tử da. Nếu là do kiến ba khoang thì bệnh thường nặng hơn.
Bệnh zona thần kinh do virus với đặc trưng là các bọng nước nổi thành từng đám, bệnh nhân thấy đau. Ảnh: Nam Phương. |
Trong khi đó, bệnh zona thần kinh là do virus. Ban đầu người bệnh sẽ thấy đau, tổn thương da, bọng nước thành từng đám, có hạch ở khu vực, nếu bị ở mặt thì có hạch ở cổ, bị ở tay thì có hạch ở nách.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị kích ứng do tiếp xúc với côn trùng thì người bệnh nên rửa chỗ tổn thương da qua nước sạch hoặc nước muối loãng 0,9% rửa nhiều lần, dùng bông, gạc mềm thấm nhẹ để làm loãng và trôi tiết dịch của côn trùng, tuyệt đối không gãi hay chà xát mạnh. Lưu ý không nên dùng nước xà phòng rửa vì sẽ làm tăng kích ứng da.
Sau đó bôi dung dịch làm mát da, như hồ nước. Bên cạnh đó, khi đã bị bệnh, để tránh lây lan bệnh ra vùng da khác, người bệnh không nên sờ tay vào chỗ phù nề rồi lại chạm vào vùng da khác. Vì khi đó, chất độc từ côn trùng ở phần da viêm nhiễm sẽ bám vào phần da mới tiếp xúc và gây bệnh.
Nếu bệnh nhẹ thì chỉ sau 2-3 ngày là khỏi, nếu nặng nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Để phòng bệnh, vào buổi tối người dân nên đóng cửa, hạn chế bật đèn. Đồng thời thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trước khi đi ngủ nên giũ chăn màn, giường chiếu. Các gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, khi cha mẹ cho trẻ đi chơi vào buổi tối thì nên tránh xa ánh đèn, mặc áo dài tay. Nếu thấy côn trùng đậu trên người thì thổi nhẹ cho bay đi chứ không chà xát mạnh. Tuyệt đối không lấy tay không đập côn trùng, nhất là với kiến ba khoang. Chú ý phát hiện những côn trùng ở trong nước tắm, khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Nam Phương