Vì lo ngại bệnh, người đàn ông Singapore này vẫn đeo khẩu trang khi nói chuyện điện thoại. |
Người phát ngôn của tổ chức này tại Geneva cho biết, các biểu hiện bệnh ở nạn nhân của hai vụ dịch đều giống nhau. Cũng trong ngày hôm qua, lần đầu tiên Trung Quốc chính thức thông báo về 792 trường hợp bị bệnh và 31 ca tử vong trong khoảng thời gian 16/11/2002 tới 28/2 tại 7 thành phố của tỉnh Quảng Đông. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp tử vong được ghi nhận ở Bắc Kinh.
Nhóm công tác của WHO cho hay, hướng dẫn xử trí các ca bệnh của Trung Quốc cũng phù hợp với khuyến cáo của tổ chức này. Trung Quốc đã bắt đầu tham gia chương trình hợp tác, bao gồm việc trao đổi mẫu huyết thanh của các bệnh nhân nước mình với các phòng thí nghiệm trong mạng lưới của WHO. Họ cũng hứa trong những ngày tới sẽ cung cấp các số liệu cập nhật về tình hình dịch bệnh.
Vào đầu tuần, phía Trung Quốc đã yêu cầu các phòng thí nghiệm của WHO tập trung tìm kiếm vi khuẩn Chlamydia trong các mẫu bệnh phẩm ở nước khác, vì họ cho rằng đây có thể là thủ phạm gây bệnh. Trước đó, ngày 18/2, các cơ quan y tế Trung Quốc thông báo đã tìm thấy bằng chứng về sự hiện diện của vi khuẩn nói trên trong 2 mẫu bệnh phẩm lấy từ phổi của các bệnh nhân chết vì viêm phổi lạ. Đáp lại yêu cầu của Trung Quốc, mạng lưới 11 phòng thí nghiệm do WHO điều phối đã tiến hành nghiên cứu theo hướng này. Tuy nhiên, tới hôm nay, nhiều thử nghiệm tìm Chlamydia đã cho kết quả âm tính. Như vậy, nhiều khả năng bệnh nhân ở Trung Quốc đã bị nhiễm cùng lúc vi khuẩn Chlamydia và tác nhân thực sự gây bệnh.
Số liệu mới từ Trung Quốc đã nâng tổng số các ca có khả năng bị SARS trên toàn thế giới lên thành 1.323 và 50 người tử vong (kể từ ngày 16/11/2002). Nếu không tính số liệu của Đại lục thì so với ngày hôm trước, đã có thêm 41 trường hợp SARS (chủ yếu ở Hong Kong) và 2 ca tử vong (tại Singapore).
Thu Thủy