Khoa Phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương mới đây đã đã tiếp nhận bệnh nhân Đoàn Thị M. (23 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện do biến chứng sau tiêm chất làm đầy hay còn gọi là filler.
Bệnh nhân M. cho biết cách đây vài ngày có tiêm filler tại một cơ sở spa ở quận Đống Đa, TP Hà Nội. Sau tiêm 1 ngày, bệnh nhân thấy mũi đỏ, đau, tiết dịch ở da. Bệnh nhân quay lại spa thì được tiêm Hyalurolidase. Sau mũi tiêm này, mũi bệnh nhân M. giảm màu đỏ nhưng mũi sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, tiết dịch. Theo bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Khoa Phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, với trường hợp bệnh nhân này rất khó tiên lượng bởi chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.
Bác sĩ Kiêm cho biết biến chứng sau tiêm filler khá nhiều, nhưng thường gặp nhất là cằm và mũi. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu, nhưng nếu muộn, phần mũi hoặc cằm hoại tử, bệnh nhân có thể bị mất mũi, không thể phục hồi trở lại bình thường. Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Cách đây không lâu, một nữ bệnh nhân tên H., 30 tuổi ở TPHCM cũng bị biến chứng nghiêm trọng do tiêm filler độn cằm trong thời gian dài. Sau khoảng 2 năm tiêm chất làm đầy cằm ở các spa khác nhau, cằm chị H. có hiện tương sắc da đỏ. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện một khối có mật độ bất thường, không gây sưng đau nhưng âm thầm phá hủy mô bên trong. Chị Hoa được bác sĩ chỉ định phẫu thuật nạo, vét filler.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho biết, cằm bệnh nhân có thể trở lại như ban đầu hay không còn phụ thuộc vào tình trạng, mức độ phá hủy mô, viêm cấp hay mạn tính.
Có một sự thật trớ trêu rằng công nghệ làm đẹp này càng phổ biến thì lại có nhiều hơn những người phụ nữ gặp rủi ro khi sử dụng. Cô gái N.T.L (17 tuổi, TP HCM) cũng bị biến chứng khá nặng nề sau khi tiêm filler nâng mũi tại một cơ sở tư nhân. Vì ham giá rẻ, lại thấy có nhiều người đã đến đây làm đẹp, L. đã bỏ ra 1,5 triệu để tiêm filler. Sau 3 ngày chịu đựng đau đớn, L. phải nhập viện vì mũi sưng tấy đau nhức, mọc mụn mủ vô cùng khó chịu.
Chị L. cho biết, cơ sở nơi chị tiêm filler quảng cáo chất làm đầy được nhập từ Hàn Quốc nhưng thực chất là không có nguồn gốc. Người tiêm cho chị L. cũng không có chứng chỉ hành nghề.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại filler được quảng cáo với nhiều mức giá khác nhau. Sản phẩm này cũng được rất nhiều các bạn trẻ sử dụng để tiêm nâng mũi, tạo cằm V line, bơm vào má làm đầy mặt, giảm nếp nhăn... Ưu điểm của tiêm filler là hiệu quả làm đẹp nhanh, tức thì, không cần phẫu thuật, không mất thời gian thực hiện (chỉ khoảng 5 phút), bệnh nhân không phải chăm sóc sau phẫu thuật và sau khi làm đẹp những người xung quanh khó nhận biết là người này đã từng làm đẹp vì thường mang lại vẻ đẹp tự nhiên. Tuy vậy, không có phương pháp làm đẹp nào là an toàn tuyệt đối. Mọi người nên tìm hiểu kỹ trước khi quyết định làm đẹp bằng filler để tránh biến chứng, bởi nếu biến chứng thì việc xử lý rất phức tạp, chi phí điều trị cao.