Hãy tham khảo danh sách các nền tảng blog tốt nhất hiện nay của chúng tôi cùng những ưu nhược điểm của chúng để chọn ra nền tảng blog hợp nhất với bạn nhé.
1. Wordpress
Wordpress là sự lựa chọn mặc định của rất nhiều blogger. WordPress có 2 dạng dịch vụ:
-
Dịch vụ miễn phí WordPress.com cho phép người dùng lập blog ngay lập tức nhưng sẽ bị một số giới hạn do blog được lưu trữ trên server của WordPress.
-
Dịch vụ blog WordPress.org cho phép người dùng tải về nền tảng blog này và đăng tải lên host/server cá nhân. Ưu điểm là sẽ không có bất kỳ giới hạn nào, tuy nhiên người dùng sẽ phải trả phí cho host/server cá nhân - chi phí sẽ tăng lên tuỳ theo số người truy cập & dữ liệu của blog.
WordPress không chia sẻ số liệu sử dụng, nhưng số liệu năm 2013 cho biết nền tảng này chiếm đến 19% các trang web trên Internet. Theo W3Techs thì con số này năm 2014 là 23%.
Trong 2 năm vừa qua, WordPress đã có rất nhiều cải tiến, như chế độ soạn thảo tập trung, công cụ chỉnh sửa đa phương tiện, hỗ trợ emoji và giao diện soạn thảo responsive.
WordPress vẫn đang là ông vua của tuỳ biến, với hàng nghìn những plugin và theme phù hợp cho mọi nhu cầu. Tuy vậy, bạn sẽ cần phải có khá nhiều hiểu biết về công nghệ để sử dụng hiệu quả những plugin hỗ trợ này.
WordPress có vẻ là 1 sự lựa chọn nhàm chán, nhưng nó cũng là lựa chọn đáng tin cậy nhất nếu bạn muốn viết blog.
Ưu điểm: Nền tảng blog lâu đời nhất, ổn định và có tính tuỳ biến cao bằng plugin và theme.
Nhược điểm: Để tuỳ biến sâu thì sẽ cần phải có kiến thức công nghệ và code.
Lời khuyên: Nếu bạn mới tập viết blog và muốn kiểm soát hoàn toàn giao diện và trải nghiệm của blog thì WordPress là lựa chọn tốt nhất cho bạn.
2. Medium
Khi Medium mới ra mắt năm 2012, nền tảng blog này đã gây 1 tiếng vang lớn và làm thay đổi cả thế giới blog. Medium mang đến một giao diện tuyệt đẹp và một mạng lưới kết nối người dùng hiệu quả.
Medium là một trong những nền tảng có cơ chế soạn thảo bài viết được thiết kế tốt nhất. Bạn có thể nhanh chóng tuỳ chỉnh chữ viết, hình ảnh, đoạn trích dẫn một cách cực kỳ đẹp mắt. Dù không có tuỳ chọn để thay đổi theme của blog, nhưng với những tuỳ chỉnh hình ảnh và chữ viết tuyệt đẹp sẵn có của Medium cũng đủ để làm đẹp và cá nhân hoá cho blog của bạn.
Medium là một lựa chọn rất ổn để bắt đầu blog, bởi nó cực kỳ phổ biến. Và khi mà bài viết của bạn được nhiều người yêu thích thì nó sẽ xuất hiện trên trang chủ Medium hoặc được gửi vào email cho các người dùng khác đọc.
Ưu điểm: Đăng ký và sử dụng ngay lập tức, dễ dùng và công cụ soạn thảo tuyệt vời.
Nhược điểm: Giới hạn về tuỳ biến, không hỗ trợ tên miền riêng.
Lời khuyên: Nếu bạn muốn nhanh chóng viết blog ngay lập tức, Medium là dành cho bạn. Nhưng nếu bạn muốn tuỳ biến thì nên tìm một nền tảng khác.
3. Tumblr
Là một nền tảng blog được rất nhiều thanh thiếu niên ưa thích, Tumblr là nơi tuyệt vời để bắt đầu.
Tumblr hỗ trợ rất nhiều loại bài viết khác nhau, từ hình ảnh, video đến những đoạn trích dẫn chứ không chỉ dừng lại ở các đoạn văn bản thông thường. Bạn cũng có thể dễ dàng tuỳ biến Tumblr của mình với rất nhiều các theme được chia sẻ trên Internet.
Nhưng điều đặc biệt nhất ở Tumblr không phải tính năng, mà là một cộng đồng người dùng bạn có thể tương tác và theo dõi.
Tumblr hoàn toàn miễn phí, nhưng có một hạn chế là có quảng cáo.
Ưu điểm: Dễ cài đặt, có hàng nghìn theme để lựa chọn, có cộng đồng để tương tác.
Nhược điểm: Rất nhiều thanh thiếu niên và những người chạy theo trào lưu.
Lời khuyên: Tumblr không chỉ là nơi để viết blog mà còn là nơi bạn có thể gặp được những người dùng có cùng chung sở thích và suy nghĩ.
4. LinkedIn
LinkedIn được biết đến như một mạng xã hội dành cho doanh nghiệp và các doanh nhân, nhưng dần dần nó đang trở thành một nền tảng blog khá phổ biến. Nếu bạn muốn đưa tên tuổi của mình được biết đến hơn trong giới doanh nhân, đây là nơi bạn nên bắt đầu viết blog.
Tuy vậy, do bản chất là một mạng xã hội nên LinkedIn không có nhiều công cụ hỗ trợ việc viết blog, mà chỉ có những công cụ soạn thảo cơ bản. Nhưng nếu nội dung bạn viết đủ hay, thì bài viết của bạn có thể được chia sẻ rất rộng rãi.
Ưu điểm: Bạn đang viết blog ở nơi mà tất cả các doanh nghiệp và doanh nhân nhìn vào. Và LinkedIn có đầy đủ các công cụ cần thiết để quảng bá bài viết của bạn đến giới doanh nhân.
Nhược điểm: Không có các tuỳ chỉnh cần thiết cho blog, và không phải tất cả mọi người đều dùng LinkedIn để đọc được bài viết của bạn.
Lời khuyên: Bạn muốn hướng tới đối tượng là các doanh nhân? LinkedIn là nơi dành cho bạn, nhưng đừng mong đợi nhiều về các tính năng blog.
5. Ảnh chụp màn hình
Chắc hẳn bạn đang ngạc nhiên tại sao lại có Ảnh chụp màn hình ở đây, nhưng hình thức này đang ngày càng phổ biến và là lựa chọn blog của giới trẻ.
Bạn không cần phải đăng ký hay cài đặt gì, chỉ đơn giản là viết nội dung bạn muốn chia sẻ vào ứng dụng Notes trên điện thoại và đăng tải lên các mạng xã hội. Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng thực tế thì các ngôi sao nổi tiếng đang làm như vậy đó.
Ưu điểm: Dễ viết, dễ chia sẻ.
Nhược điểm: Bạn không thực sự có 1 blog riêng, mà chỉ là hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội.
Lời khuyên: Nếu bạn không phải là 1 "con nghiện" viết blog mà chỉ thỉnh thoảng muốn viết một vài nội dung ngắn, thì đây là 1 cách hiệu quả và nhanh chóng.
Tất nhiên là ngoài 5 nền tảng blog trên đây vẫn còn rất nhiều những cách khác bạn có thể bắt đầu viết blog. Nhưng những nền tảng ấy có rất nhiều nhược điểm mà chúng tôi nghĩ rằng bạn không nên sử dụng. Đơn cử như Google+ hay Blogger đã bị Google bỏ bê từ rất lâu rồi, hoặc Facebook Notes - ai đã từng viết Notes trên Facebook chắc cũng phải đồng ý rằng mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh này thực sự không phải dành cho việc viết blog.