1. "Tôi tin rằng điều góp đến 50% giá trị trong việc tạo ra khác biệt giữa những cá nhân khởi nghiệp thành công và những kẻ thất bại, đó chính là lòng kiên trì."
Ai cũng nói mình đã cố hết sức, nhưng thực sự thì không phải vậy. Còn những người mới chớm làm được điều đó thì sao? Đa phần sẽ quay ra hoài nghi về điều mình đang làm, tự hỏi mình cố để làm gì khi tất cả mọi người đều đã bỏ cuộc. Rốt cuộc, họ cũng dừng lại trước khi đạt đến cái đích cuối cùng và khiến "cố hết sức" trở thành một điều không tưởng.
|
Lời khuyên là hãy cứ cố gắng và đừng hoài nghi. Hãy dậy sớm, ngủ muộn, gọi thêm vài cuộc điện thoại, gửi thêm vài cái email. Nghiên cứu sâu hơn chút nữa, giúp một khách hàng nhiều hơn mức bạn được yêu cầu. Cũng đừng đợi đến khi người ta cậy nhờ, bạn mới giúp. Đừng chỉ giao việc cho nhân viên, hãy cùng làm với họ, chỉ cho họ cách hay để giải quyết công việc cũng như lắng nghe và học hỏi từ chính cấp dưới của mình.
Mỗi khi cố thêm chút nữa, hãy tiếp tục nghĩ đến việc mà bạn có thể làm thêm, chứ đừng quan tâm là phía sau lưng đã có kẻ ngừng tay và rời nhiệm sở. Điều này khó khăn vô cùng, nhưng để khác biệt và thành công rực rỡ thì bạn không có lựa chọn nào khác. Cái chính là bạn phải biết mình mong muốn điều gì: thất bại, thành công hay cực kỳ thành công.
2. "Những thứ mà tôi thích nhất trong đời thật ra lại chẳng tốn kém xu nào. Các bạn thấy đấy, chẳng phải thứ tài nguyên quý giá nhất chúng ta có được chính là thời gian hay sao."
Deadlines và các hạn định thời gian đôi khi tạo cho chúng ta thói quen xấu là lười biếng, làm ăn ì ạch và trì hoãn. Đôi khi, bạn đặt ra cho mình chỉ tiêu sẽ hoàn thành một đầu việc trong hai tuần, rồi điều chỉnh các nỗ lực và nguồn lực của mình cho vừa khít hai tuần đó. Trên thực tế, bạn có thể làm xong nó trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều.
Đừng để thời gian trói buộc năng lực của bạn - Ảnh minh họa (Internet). |
Vậy nên, hãy quên đi các giá trị hạn chót, hoặc cố gắng để nó không tác động ngược lại đến tiến độ lao động của bạn. Tìm ra cách tốt nhất và hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề và nếu chưa đến deadline, bạn sẽ có cả một khoảng thời gian "rảnh" để làm thêm những việc khác. Nên nhớ, người bình thường để thời gian khống chế, còn kẻ phi thường học cách khống chế thời gian. Đừng quên điều đó.
3. "Theo tôi, mô hình kinh doanh giống như mô hình ban nhạc The Beatles. Hãy nhìn họ, bốn chàng trai giúp nhau chế ngự những phương diện tiêu cực của bản thân, cân bằng cho nhau và cùng nhau tạo ra những giá trị tổng hòa vượt trội. Đó cũng chính là cách tôi nhìn nhận kinh doanh: những thành công vĩ đại không đến từ công sức của một cá nhân, mà đến từ một nhóm."
Ban nhạc The Beatles truyền cảm hứng cho Steve Jobs. |
Không thể phủ nhận rằng làm việc nhóm sao cho hiệu quả thật chẳng dễ dàng. Một số người bạn thấy rất hợp khi làm việc, trong khi một số khiến bạn muốn phát điên. Bao giờ trong nhóm cũng có những thành viên hăng hái muốn "dẫn đoàn", ích kỷ và coi mình là trung tâm, bên cạnh những người hiền lành, cả nể và dễ thỏa hiệp.
Nhưng nếu bạn đã chọn họ trong nhóm của mình, hãy cố gắng dung hòa và cùng nhau điều chỉnh để hướng tới một mục đích chung: đó là hiệu quả kinh doanh và thành công cho doanh nghiệp. Thay vì ca thán, cãi vã và tiếc nuối thời gian công sức mình bỏ ra, hãy học cách suy nghĩ bao dung và tích cực hơn. Nếu họ làm bạn không vui, đó là lỗi của bạn, bởi chính họ cũng đang thất vọng về bạn – người đã dẫn dắt họ vào dự án, đã làm thay đổi toàn bộ nhịp sống thường nhật của họ, đã buộc họ vào tình trạng căng thẳng và mệt mỏi này. Hãy thay đổi chính mình trước khi tìm cách thay đổi người khác – nhất là khi bạn đang ở một vị trí cao hơn. Hãy trở thành một người sếp có đủ tài và tâm để thu hút những cộng sự có cùng phẩm chất. Nên nhớ, người giỏi muốn được làm cho sếp giỏi, đơn giản có vậy thôi.
4. "Đôi khi bạn sẽ thất bại trong quá trình đổi mới. Tốt hơn hết là nhanh chóng thừa nhận sai lầm và chuyển sang cải thiện các nỗ lực đổi mới khác của mình."
Ảnh minh họa (Internet). |
Dù thành công là sản phẩm của sự tổng hòa các nguồn lực, người khởi nghiệp thành công hiểu rõ rằng chính ý chí cá nhân mới là kim chỉ nam định hướng con tàu doanh nghiệp hướng tới cái đích cuối cùng, và cũng chính ý chí cá nhân giúp điều chỉnh khi thấy con tàu đang lạc hướng. Người lãnh đạo giỏi không chăm chăm lôi cả đoàn tàu chạy theo mình, mà đôi lúc phải biết chậm lại để lắng nghe, để biết đúng sai, để nhận lỗi và để sửa chữa những lỗi lầm trước khi mọi thứ trở thành quá muộn. Thay vì đổ lỗi cho đủ thứ, từ sự lao dốc của nền kinh tế, viễn cảnh ảm đạm của thị trường, sự chậm trễ yếu kém của các nhà cung cấp… hãy tự nhận lỗi về mình, về sự thiếu hiểu biết và nghiên cứu kỹ lưỡng của bản thân. Cũng chỉ khi đó, người lãnh đạo mới học được những bài học quý giá. Vậy nên, hãy trân quý những sai lầm, xem xét nó thật kỹ lưỡng và quyết tâm rằng từ nay về sau, mình sẽ không phạm phải những sai lầm tương tự.
5. "Công việc chiếm một phần lớn cuộc đời của bạn, vậy nên cách duy nhất để cảm thấy hạnh phúc là làm điều có ý nghĩa lớn lao. Cách duy nhất để làm được những điều lớn lao là yêu những điều bạn làm. Nếu bạn chưa tìm ra công việc mình yêu, hãy cứ tiếp tục tìm kiếm. Đừng bỏ cuộc. Bạn sẽ tìm ra nó khi trái tim mách bảo."
Rất nhiều người đau đầu vì không tìm ra được niềm đam mê trong cuộc sống. Chẳng sao hết, hãy cứ chọn một công việc bạn có thể làm, lĩnh lương hàng tháng, hoặc thu về một thứ giá trị cụ thể nào đó.
Hãy yêu việc mình làm và công việc sẽ đem về "trái ngọt" - Ảnh minh họa (LinkedIn). |
Quan trọng là, hãy làm việc thật chăm chỉ, và học hỏi thêm trong quá trình làm việc. Không nhất thiết phải học một thứ bằng cấp gì cao sang, hãy học cái mà bạn thích, học cách nâng cao các kỹ năng cần thiết cho mình: từ quản lý, bán hàng, sáng tạo, thực thi. Việc dành được những thành công nho nhỏ, trong công việc hay trong học tập, sẽ đem đến cho bạn nguồn khích lệ bền bỉ để bạn tiếp tục làm việc, để tiếp tục vươn lên. Trong suốt quá trình, những thứ bạn làm sẽ mở ra cho bạn những triển vọng mới, những hướng đi mới mà có thể bạn chưa từng nhận ra và có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn.
Đến một ngày, đột nhiên bạn cảm thấy cuộc đời thật trọn vẹn. Đó là bởi bạn đã làm được những việc có ý nghĩa lớn lao, những công việc mà bạn đã yêu từ lúc nào không biết.
6. "Dám đổi mới đem đến sự khác biệt giữa người lãnh đạo và kẻ phục tùng."
Đồng thời hãy nhớ rằng, những ý tưởng sáng tạo mà thiếu đi động thái thúc đẩy trong thực tiễn thì mãi mãi chỉ là ý tưởng mà thôi. Và rồi, nó sẽ sớm trở thành những niềm tiếc nuối.
Ảnh minh họa (Internet). |
Mỗi ngày, không biết bao nhiều người trong số chúng ta để mình chần chừ, và rồi bỏ qua điều mình muốn làm, ý tưởng mình muốn hiện thực hóa. Chúng ta sợ thất bại, ngại chuyện nọ chuyện kia, rồi cho rằng hãy chờ thêm chút nữa để có thể làm tốt nhất và thành công nhất. Thế nhưng, cũng hãy nghĩ rằng liệu có phải ý tưởng nào cũng khả thi, dự án nào cũng thành công ngay lần đầu thử nghiệm. Thay vì ngại ngần và chờ đợi, hãy bắt tay làm ngay mọi thứ bạn muốn làm. Đi làm thêm, chuyển việc, khởi sự kinh doanh. Lắng nghe những phân tích, phán đoán và cả trực giác của mình. Không phải lúc nào chúng ta cũng thành công với những quyết định trong cuộc sống, nhưng nếu không hiện thực hóa ý định của mình, bạn sẽ luôn sống trong nuối tiếc và thất vọng, thứ kéo lùi sự phát triển của bạn.
7. "Bước sang tuổi 25, tổng giá trị tài sản của tôi đã lên tới khoảng 100 triệu đôla Mỹ. Ngay chính thời điểm đó, tôi đã quyết không để nó hủy hoại đời mình. Tôi làm sao có thể tiêu hết số tiền đó, tôi cũng không bao giờ nghĩ tiền là thước đo của trí tuệ."
Tiền rất quan trọng và đem đến cho ta nhiều thứ (cơ bản nhất là quyền được lựa chọn). Nhưng nói gì thì nói, tiền không phải là tất cả và không đảm bảo chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn (điều này thì khoa học đã chứng minh, song đa phần chúng ta không chịu tin vào điều đó). Hãy nghĩ đến câu chuyện về Ông lão đánh cá và con cá vàng, để thấy lòng tham của con người là vô đáy và bao nhiêu của cải vật chất cũng là không đủ. Một cái máng lợn tốt hơn, một căn nhà đẹp hơn, một tòa lâu đài, ngai vàng vua chúa… những thứ có giá trị hôm qua thì hôm nay sẽ giảm đi rất nhiều giá trị, một khi ta đã sở hữu nó.
Đừng để tiền chi phối cuộc sống và các quyết định của bản thân - Ảnh minh họa (Internet). |
Đó là bởi những thứ bạn nghĩ là đang đem lại cho mình hạnh phúc, chúng chỉ là "vật chất" có thể mua được bằng tiền. Thế nhưng, thứ khiến cuộc sống bạn bận rộn, có ý nghĩa, không thể mua được và mãi thuộc về riêng mình bạn: đó là trải nghiệm. Điều này trả lời câu hỏi vì sao những người già thường không nhớ những gì họ đã mua, đã có, đã sở hữu, mà chỉ nhớ về kỷ niệm cũ, với những con người cũ và những việc mình đã làm được mà thôi.