Thời gian gần đây, phố Wall "rộn ràng" với bức thư nội bộ của một chuyên viên phân tích làm việc tại ngân hàng Barclays gửi đến các tân cử nhân thực tập hè tại doanh nghiệp. Mở đầu khá ấn tượng: "Chào mừng tới Rừng xanh", người đàn anh này đã nhanh chóng liệt kê "10 điều răn" tối thượng mà các đàn em phải biết mà tuân thủ. Danh sách các điều này chắc chắn sẽ làm nhiều người, không cứ các bạn sinh viên non nớt, phải há hốc mồm. Dưới đây là những quy định "dị" nhất:
1. Hãng chúng ta luôn ăn mặc đúng chuẩn, nhưng dù sao cũng đang giữa hè nóng nực, các anh chị đừng có mà đi tất cao cổ tới công ty. (Nói riêng với các anh là ngày đầu tiên đi làm, hãng khuyến khích các nam nhân viên đeo nơ bướm và mặc quần có đai đeo).
2. Hãy nhớ rằng đây là chương trình thực tập mùa hè toàn thời gian. Sẽ chẳng có gì ngon nghẻ dễ dàng cả đâu. Các anh chị không chịu được nhiệt thì biến!
Chi nhánh Barclays tại phố Wall - Nguồn: Internet. |
3. Công ty mong đợi các anh chị sẽ là những người cuối cùng rời văn phòng hàng đêm, trong bất cứ trường hợp nào. Đó mới là thực tập sinh chân chính. (Thêm vào đó, dậy sớm và đến sớm hơn chúng tôi cũng rất được khuyến khích – có thể các anh chị quen ngủ nướng đến hơn 9h, nhưng chúng tôi thì sẽ không "quen" với việc đó đâu).
4. Đừng bao giờ cởi bỏ áo khoác ở công ty, thưa các anh các chị, hãy nhớ cho rằng đây là ngân hàng đầu tư. Chỗ khác thoải mái không sao, chỗ này thì không được.
5. Các anh chị sẽ nhận được sự cố vấn của các "tiền bối", và chúng tôi cũng khuyến khích các anh chị mua bữa sáng cho "tiền bối" đáng kính của mình. Xin nhắc là sẽ có một số vị cầu kỳ khoản này hơn các vị khác.
6. Nên mang theo gối (và nếu được, thì cả thảm tập yoga nữa) tới công ty. Anh chị sẽ có giấc ngủ ngon hơn trên mặt sàn (viễn cảnh có thật cho các anh chị).
7. Mang dư ra một cái khăn tay, phòng trường hợp có nhân viên trong phòng bị hết giấy ăn.
8. Mỗi khi rời bàn làm việc, luôn nhớ điền thông tin vào tờ giấy khai báo ra-vào, ghi rõ anh chị đi đâu và đi trong bao lâu. Cái này sẽ đóng góp vào bản đánh giá cuối kỳ thực tập.
Email với những "điều răn" nói trên ngay lập tức được lan truyền trên mạng và nhận được không ít phản ứng trái chiều. Trong khi một số người tỏ ra tức giận với bức thư có phần thiếu nghiêm túc, đa phần cảm thấy "10 điều răn" này rất vui, hài hước và không hoàn toàn sai sự thật.
Trong khi người ta không thể liên lạc với chủ nhân của email "thần thánh" thì hãng Barclays đã sốt sắng khẳng định với Nhật báo phố wall rằng mình không bao giờ áp đặt những quy định nào như thế cho nhân viên.
|
Tờ Nhật báo cũng tin rằng email này được gửi đi với mục đích "chọc cho vui" và thực tế là nhiều sinh viên mới ra trường cũng không thể nhịn cười với "những lời giáo huấn đầy uy quyền". Tuy nhiên, nhiều người cũng tin rằng email này phần nào phản ánh đúng sự thật: “Trào phúng đấy, nhưng có điều gì trào phúng mà lại không có vài phần sự thật.”; “Cái khoản đi sớm về muộn là chuẩn rồi, cái đấy thì tự mình phải biết chứ cần gì ai đe nẹt.”; “Làm ở đâu mà chẳng phải về muộn, làm ngân hàng thì càng như thế. Nhưng đoạn mang theo gối với thảm yoga thì chắc là đùa thôi.”
Trên tất thảy, bức thư có thể gây shock ban đầu với các tân cử nhân non nớt, song với những ai đã được nghe, hay từng thực sự trải nghiệm những áp lực kinh khủng trên con phố vừa danh tiếng vừa khét tiếng bậc nhất thế giới này – những điều kể trên chỉ đơn giản là một hình thức trào lộng nhằm phần nào giải tỏa căng thẳng trong công việc.
Phố Wall và những chuyện đau lòngGiữa tháng 4, dư luận xôn xao về cái chết của một nhân viên ngân hàng Goldman Sachs có tên Gupta, người gốc Ấn và mới chỉ 22 tuổi. Xác của anh này được tìm thấy ở một bãi đỗ xe hơi gần căn hộ của mình. Giám định pháp y xác nhận anh này chết do lao xuống từ trên tòa chung cư, nhiều khả năng, là có chủ đích. Trước đó, chàng trai trẻ đã phải đối mặt với tình trạng căng thẳng cao độ. Anh thường xuyên gọi điện cho gia đình tại Ấn Độ, kể về những tuần làm việc kéo dài cả trăm giờ đồng hồ và nhiều đêm thức trắng: “Mệt mỏi lắm bố mẹ ạ, đã hai đêm rồi con không ngủ, nhiều việc quá. Sáng mai con còn phải đi gặp khách hàng, còn một bài thuyết trình phải hoàn thành, trong khi sếp đang tức điên lên và giờ con vẫn đang ngồi một mình ở văn phòng.”
Áp lực trong công việc đang trở thành một "rủi ro" đích thực cho các công ty phố Wall - Nguồn ảnh: Huffingtonpost. |
Song đó không phải là câu chuyện buồn duy nhất tại đây. Chỉ hơn một tháng sau sự cố của nam nhân viên Goldman Sachs, phố Wall tiếp tục ghi nhận vụ nhảy lầu của Hughes, một chuyên viên 29 tuổi làm việc tại Moelis & Company. Kết quả khám nghiệm cho thấy anh này đã dùng thuốc an thần quá liều, nhiều khả năng khiến anh mất tỉnh táo và rơi khỏi ban công tòa nhà. Các cuộc điều tra cho biết đây là một nhân viên cực kỳ chăm chỉ, song cũng đang quá tải với công việc. Trả lời phỏng vấn của tờ Daily Mail, người cha mất con vô cùng đau lòng: “Công việc không để ra cho nó chút thời gian nào để tận hưởng hay nghỉ ngơi, nhưng biết làm thế nào được, đó chính là bản chất của công việc mà nó lựa chọn.”
Nhiều chuyên gia đã vào cuộc để điều tra về tỷ lệ "đột tử" đáng ngờ của nhiều nhân viên phố Wall, và theo báo cáo về tỷ lệ tử vong theo nghề nghiệp của Hoa Kỳ, người làm trong ngành tài chính ngân hàng có khả năng tự sát cao hơn 1,5 lần so với mức trung bình toàn quốc. Các bác sỹ cũng bị liệt vào nhóm "tự sát cao" trong báo cáo này.
Trâu vàng phố Wall - Nguồn ảnh: Internet. |
Với những người trong ngành thì áp lực đến từ những con số, những mô hình, những bản phân tích, dự đoán và báo cáo là điều không thể nào tránh khỏi. Thế nhưng, căng thẳng đến mức tìm đến cái chết (thay vì bỏ việc và lựa chọn một công việc dễ thở hơn) là điều hoàn toàn không bình thường.
Nhiều hãng tài chính phố Wall cũng đang tiến hành rà soát các chính sách nhân sự, đồng thời kiếm tìm những giải pháp giúp giảm tình trạng mất cân bằng cho nhân viên, song e rằng nhiệm vụ này cũng gian nan chẳng kém việc phân tích các rủi ro và biến động của nền kinh tế.
Phố Wall cũng chẳng "cao giá" như người ta tưởng
Điều mỉa mai là khi nhìn vào những áp lực khủng khiếp mà chuyên viên của nhiều ngân hàng hay các định chế tài chính lớn đang phải đối mặt, bên cạnh những người tỏ ra thông cảm xót xa, một số khác lại cho rằng đó là sự tôi rèn thỏa đáng và bõ công với một môi trường lớn, mạnh và chuyên nghiệp.
Thế nhưng, những chia sẻ thẳng thắn gần đây của một sinh viên vừa tốt nghiệp trường Wharton (trực thuộc ĐH Pennsylvania, một trong 6 thành viên của Ivy League – nhóm các trường ĐH danh giá nhất Hoa Kỳ) cho thấy mặt trái của phố Wall.
|
Cậu sinh viên này đã trúng tuyển đợt thực tập mùa hè tại ngân hàng Goldman Sachs, song đã từ bỏ cơ hội này và nhận việc tại một quỹ phòng vệ ít tên tuổi hơn. Cậu khẳng định, phố Wall hào nhoáng thực chất mắc "bệnh thành tích" rất nặng, họ chỉ chăm chăm "săn" sinh viên các trường điểm mà thôi (giống như Việt Nam, Hoa Kỳ cũng có khái niệm "trường điểm", ở đây ám chỉ Ivy League).
"Họ [các công ty phố Wall] cho rằng nếu bạn đã được vào học ở cái trường này, thì tức là ok, và bạn được mời tới thực tập trong vài tuần của mùa hè. Cũng chẳng có gì ghê gớm hết, bạn ngồi đó, đợi người ta giao việc vặt, rồi gửi lại cho họ kiểm tra. Theo tôi, đó không phải là làm việc."
Dù không thể phủ nhận cơ hội học tập tại các trường ĐH danh giá không đến dễ dàng với bất kỳ ai, song chính ưu thế sinh viên trường top đầu cũng đem đến tâm lý chủ quan khinh địch và thái độ khá "chảnh chọe" cho các cô cậu tân cử nhân.
"Hầu hết sinh viên trường điểm đều lười biếng. Họ thiếu cả kỹ năng giao tiếp, nhưng cũng không thấy cần phải giao tiếp với ai, bởi họ tin chỉ riêng tấm bằng đã đủ khả năng đem đến vô số lời mời phỏng vấn." – chàng trai 19 tuổi đến từ Wharton nói thẳng.
Xem ra, cả cơ chế tuyển dụng lẫn đãi ngộ của phố Wall đều có vấn đề. Có lẽ, một chính sách nhân sự hợp lý và hướng đến giá trị con người thực chất hơn chính là điều mà các doanh nghiệp hoạt động tại phố Wall cần nghiêm túc xem xét.