Buổi phỏng vấn là cả một quá trình áp lực và bạn chỉ có một cơ hội duy nhất để chứng tỏ mình. Dưới đây là 10 câu hỏi và gợi ý trả lời sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trên con đường chinh phục nhà tuyển dụng và đến với công việc mơ ước.
|
1. Tại sao bạn lại nghỉ việc ở chỗ cũ?
Đây là một câu hỏi nhạy cảm, vì vậy bạn không nên đề cập hay nói xấu về công ty cũ, sếp cũ hay vị trí mà mình từng làm, điều này sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Thay vào đó bạn có thể trả lời rằng bạn muốn mở rộng bộ các kĩ năng, đồng thời chia sẻ thêm các quan điểm tích cực của mình.
2. Tại sao hồ sơ cho thấy có một khoảng thời gian bạn không làm việc?
Bạn có thể có rất nhiều lí do để đưa ra, nhưng để tránh khiến nhà tuyển dụng cảm thấy hoài nghi (cho rằng bạn gây rắc rối ở công ty cũ và bị buộc thôi việc), hãy khéo léo nhấn mạnh những việc bạn đã làm được trong khoảng thời gian trống, ví dụ:
- Tìm kiếm một công việc tạm thời: Đây là phương án tốt trong lúc chờ thời cơ cho công việc mơ ước, vừa có thêm thu nhập lại học được nhiều kĩ năng.
- Dành thời gian cho việc học: Tham gia chương trình cao học, hoặc lấy thêm các văn bằng chứng chỉ liên quan đến lĩnh vực của bạn đang ứng tuyển. Mặc dù là khoản đầu tư khá tốn kém nhưng đây là cách bạn nâng cao giá trị bản thân và nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao thái độ ham học hỏi của bạn.
- Tham gia công tác tình nguyện: Dù công việc này có thể không đem đến cho bạn bất kỳ nguồn thu nhập nào, nhưng nó lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng các kỹ năng sống cần thiết cũng như giúp bạn mở rộng mạng lưới các mối quan hệ cá nhân ngay trong khoảng thời gian trống.
3. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào? Điếm mạnh thì không mấy khó khăn tuy nhiên điểm yếu thì khá gay go đấy. Bạn không nên nói dối vì nhà tuyển dụng sẽ nhận ra ngay, đồng thời bạn cũng không nên "khoe" hết các nhược điểm của mình ra để hứng lấy thất bại bởi không nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên đầy rẫy khuyết điểm.
Tuy nhiên, đôi khi những khuyết điểm của bạn lại chính là điểm mạnh, vì mỗi công ty lại có văn hóa và môi trường làm việc khác nhau. Thế nên, hãy chú ý đến những điểm "hơi yếu" hoàn toàn có thể được khắc phục và đem đến thế mạnh trong quá trình làm việc, kiểu như: "Tôi là một người quá cẩn thận hay tỉ mỉ. Điều này thực ra cũng tốt nhưng đôi khi nó khiến tôi mệt mỏi và không thỏa mãn với những gì mình đạt được."
4. Kể cho tôi nghe về một lần bạn thất bại?
Ai cũng đã từng có thất bại trong cuộc sống cũng như công việc. Bạn đừng lúng túng trước câu hỏi này, bởi thực chất nhà tuyển dụng chỉ muốn xem khả năng xử lý tình huống của bạn như thế nào thôi. Vì vậy hãy giải thích cho nhà tuyển dụng lí do bạn thất bại nhưng đồng thời đừng quên chỉ ra bạn đã làm những gì để thành công từ những bài học "xương máu" của mình.
5. Bạn phản ứng như thế nào khi đối mặt với thách thức?
Khi gặp câu hỏi như thế này bạn cũng phải hết sức bình tĩnh. Bạn không nên trả lời chung chung khiến nhà tuyển dụng thấy mơ hồ, thay vào đó bạn nên lấy một trường hợp cụ thể rồi chia sẻ cách giải quyết vấn đề ra sao. Qua đó nhà tuyển dụng có thể đánh giá được khả năng tư duy của bạn.
6. Bạn có sẵn sàng chuyển chỗ ở, hoặc phải đi công tác nếu nhận được công việc này hay ko?
Những điều dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời khéo léo:
- Hãy nói "có" với nhà tuyển dụng nếu bạn thực sự sẵn sàng, chứ đừng miễn cưỡng gật đầu chỉ để gây ấn tượng. Lẽ dĩ nhiên, hầu hết các nhà tuyển dụng đều hi vọng nhận được câu trả lời "có" trong trường hợp này, bởi nó thể hiện mong muốn cháy bỏng được gia nhập công ty của ứng viên.
- Nếu câu trả lời của bạn là "có thể", bạn hãy cho nhà tuyển dụng biết lý do một cách khéo léo, ví dụ: "Tôi có thể cân nhắc vấn đề chuyển chỗ ở hay đi công tác xa trong những hoàn cảnh nhất định công ty yêu cầu." Sau đó bạn hãy đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng xoay quanh các trường hợp phải chuyển chỗ ở hay đi công tác.
- Nếu câu trả lời của bạn là "không", bạn cũng nên giải thích tế nhị, ví dụ: "Tôi rất muốn trở thành một phần của công ty, nhưng e là tôi không thể chuyển hẳn chỗ ở, bởi vì cả gia đình tôi đang sinh sống tại đây và họ sẽ rất lo nếu tôi lập nghiệp xa nhà."
7. Bạn thấy mình sẽ ở đâu trong 5 năm nữa?
Câu trả lời tệ nhất sẽ là "Tôi không có ý tưởng gì cả", hay "Tôi không biết". Hãy thử trả lời thế này "Tôi đã tự đánh giá bản thân mình rất nhiều lần, và những gì tôi học chính là những điều tôi muốn cam kết cho công việc này, cũng như xây dựng sự nghiệp của mình từ đây." Bạn cũng có thể nói bạn muốn trở thành một người quản lí hoặc 1 vị giám đốc, nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được bạn là người có tham vọng đi lên.
8. Vì sao chúng tôi nên tuyển bạn?
Đây lại là một cơ hội tốt để bạn quảng bá cho bản thân, vị vậy, hãy chuẩn bị cho mình "3 điểm mạnh". Tuy nhiên, những điểm mạnh này cũng phải cụ thể và phù hợp với vị trí bạn nộp hồ sơ vì nhà tuyển dụng luôn muốn tuyển "đúng người" cho "đúng việc".
9. Kể về một lần bạn xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn xử lí vấn đề đó như thế nào?
Lưu ý đối với câu hỏi này, nếu bạn trả lời: "Tôi chưa bao giờ có mâu thuẫn với đồng nghiệp", nhà sẽ nghi ngờ và tiếp tục "tra hỏi" cho đến khi tìm ra sự thật. Cách tốt nhất là bạn nên "nói giảm, nói tránh" một chút, đồng thời chỉ ra cách giải quyết của bạn, chẳng hạn: "Tôi chỉ có một vài lần bất đồng ý kiến với đồng nghiệp. Khi chuyện xảy ra, tôi đề nghị được gặp trực tiếp họ và dành thời gian để lắng nghe quan điểm của họ. Sau đó, chúng tôi thảo luận cho đến khi tìm ra một giải pháp khả dĩ nhất cho đôi bên."
10. Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?
Đừng trả lời "không" cho câu hỏi này. Bạn nên đưa ra khoảng 3 câu hỏi cho nhà tuyển dụng, tận dụng cơ hội này để chứng minh sự nhiệt tình của bạn đối với công việc. Ví dụ:
- Anh/ Chị có thể nói cho tôi biết về văn hóa công ty được không?
- Tôi sẽ được tham gia những khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ chứ?
- Tôi sẽ làm việc độc lập hay theo nhóm?
- Tôi muốn biết về kế hoạch phát triển của công ty trong tương lai?