Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Càng lên cao càng lạnh”. Câu nói thực sự đã đúc kết quãng thời gian 5 năm ngồi trên ghế CEO apple đầy cô đơn và cay đắng của Tim Cook. Cuộc trải lòng hiếm hoi của vị CEO vốn kín tiếng này đã khiến cả thế giới chú ý vì những chia sẻ chân thực về cuộc sống tại vị trí quyền lực này.
Xin lời khuyên từ những người quyền lực nhất
Một người tài giỏi thực sự là người luôn biết lắng nghe lời khuyên của người khác và tin tưởng vào những lời khuyên đúng đắn. Để đạt được vị trí như hiện nay, Tim Cook cũng không ít lần tham khảo ý kiến từ những người quyền lực và giỏi giang khác ở nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh doanh, đầu tư…
Nhân vật nổi tiếng nhất đã từng cho Tim Cook lời khuyên là Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Trong cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ năm 2013 về vấn đề nộp thuế của Apple, Tim đã tìm tới cựu tổng thống để có thể đưa ra những câu trả lời có lợi nhất cho Apple.
Bill Clinton là người có nhiều kinh nghiệm về chính trị, là người có thể khiến Tim tin tưởng và tìm được tiếng nói chung về vấn đề thuế - một vấn đề liên quan mật thiết đến phạm trù chính trị. Có lẽ đó chính là lí do mà ông hoàn toàn đặt lòng tin vào vị tổng thống thứ 42 của Mỹ. Trong cuộc điều trần này, Lloyd Blankfein – CEO của Goldman Sachs, người đã từng tham dự cuộc điều trần của Thượng viện về vai trò của Goldman trong cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008 cũng đã cho Tim Cook vài lời khuyên hữu dụng.
Cựu tổng thống Mỹ từng đưa ra lời khuyên cho Tim Cook.
Trong vấn đề điều hành công ty, Tim Cook lại tìm đến nhà tài phiệt – tỉ phú Warren Buffett, CEO của Berkshire Hathaway. Lần này, Tim Cook muốn có một lời khuyên thật xác đáng trong việc cân nhắc có nên tiếp tục trả tiền mặt cho các cổ đông hay không. Mặc dù Apple đã thực hiện điều này từ năm 2012 nhưng lời khuyên của Warren Buffett vẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp Tim Cook biết đích xác điều này có thực sự mang lại lợi ích cho công ty hay không.
Tim Cook cũng đã tìm đến một nhân vật nổi tiếng khác để tìm lời khuyên. Đó chính là Warren Buffett của Beckshire Hathaway.
Liên quan đến vấn đề đời sống riêng tư có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tiếng tăm của Apple, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của đài CNN Anderson Cooper đã cho Tim Cook những lời khuyên xác đáng, đồng thời cũng là lời động viên chân thành khi ông quyết định tiết lộ mình là người đồng tính vào năm 2014. Bên cạnh Anderson Cooper, Tim Cook cũng tham khảo nhiều ý kiến của nhiều người trước khi công khai giới tính trên mặt báo.
Người dẫn chương trình nổi tiếng của CNN Anderson Cooper cũng từng được Tim Cook nhờ tư vấn.
Danh sách những người cho Tim Cook lời khuyên còn có phu nhân của cố CEO Apple Steve Jobs - bà Laurene Powell Jobs, đồng thời cũng là nhà sáng lập Emerson Collective.
Con đường không hề được trải đầy hoa hồng
Thành công của Apple hôm nay không chỉ được gầy dựng trên tài năng và trí tuệ của những người sáng lập, mà nó còn được xây dựng bằng máu và nước mắt của những người tiếp nối những thành công ấy. Điều hành Apple được 5 năm thì Tim Cook cũng đã nếm qua đầy đủ mùi vị đắng cay, chua chát của công việc khó nhằn này, đặc biệt trong việc phát triển sản phẩm và tuyển dụng. Nhưng không vì thế mà ông giấu nhẹm những sai lầm mà bản thân từng mắc phải, ngược lại những chia sẻ chân thành của ông đã giúp Apple ghi điểm tuyệt đối trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Sự nghiệp CEO của Tim Cook không hề đơn giản.
Nỗi xấu hổ lớn nhất Apple từng gặp phải chính là dịch vụ bản đồ chứa đầy lỗi ngớ ngẩn khi phát hành. Với sai lầm đáng tiếc này, Apple đã gặp phải nhiều chỉ trích từ khách hàng, rằng họ đang bị khinh thường bởi những người tạo ra sản phẩm. Chính vì vậy mà Google Maps vẫn được tin dùng bởi nhiều tín đồ cuồng Táo mặc dù ứng dụng này được phát triển cho Android và nhiều nền tảng khác chứ không phải hệ điều hành iOS.
Apple Maps được xem là lỗi ngớ ngẩn nhất mà Apple từng phạm phải.
Nếu Apple Maps là lỗi của cả hệ thống phát triển sản phẩm thì việc tuyển chọn John Browett lại là sai lầm cá nhân của vị CEO tài ba này. John Browett được đánh giá là không phù hợp với văn hóa làm việc của Apple khi thất bại trong việc cai quản 50.000 nhân viên của chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm. Chính sự không tương đồng ấy mà John bị sa thải còn Tim thì phải chịu không ít tai tiếng mặc dù ông đã sớm nhận ra và khắc phục lỗi lầm.
Còn John Browett lại là sai lầm lớn nhất của Tim Cook.
Kích cỡ của iPhone luôn được giữ nguyên thiết kế 3,5 và 4 ich trong suốt 6 năm cũng là một sai lầm lớn của Apple vì đã đánh mất không ít thị phần di động vào tay những thương hiệu nổi tiếng khác. Đây được cho là quyết định mang tính bảo thủ của Tim Cook đối với dòng sản phẩm con cưng của Apple. Mãi cho đến khi iPhone 6 ra mắt, màn hình cảm ứng của sản phẩm mới được mở rộng.
Màn hình cảm ứng nhỏ từng là nhược điểm của iPhone.
Việc Apple không chú trọng vào mảng marketing khi luôn đưa ra những thông điệp sản phẩm nhạt nhòa và thiếu bản sắc cũng luôn bị khách hàng chỉ trích nặng nề. Bộ phận PR của Apple cũng bị chê là kênh kiệu và thiếu chuyên nghiệp. Đây có lẽ là sai lầm cần khắc phục ngay để đảm bảo độ phủ sóng rộng khắp của Apple trên toàn thế giới.
CEO là công việc cô đơn
Đó chính là tâm sự thật lòng của Tim Cook khi nói về sự nghiệp của mình. Đứng ở vị trí hứng mũi chịu sào, Tim Cook phải chịu nhiều áp lực khi luôn là người bị chỉ trích kể cả khi làm tốt. Ông cũng không được phép chia sẻ quá nhiều và ngay chính bản thân ông cũng không muốn chia sẻ về công việc mà ông đang làm.
Tim Cook luôn cảm thấy cô đơn trong chính cuộc sống của mình.
Ông cũng cho biết bản thân đã quá quen với những lời chỉ trích và thái độ hai mặt của những người xung quanh. “Buổi sáng người ta khen bạn nhưng ngay lập tức thay đổi thái độ vào buổi chiều. Hai thái cực đó có thể xảy ra trong một ngày nhưng bạn đừng quá ngạc nhiên về nó,” Tim Cook chia sẻ.
(Ảnh: Internet)