Mới đây, tạp chí ACS Applied Materials & Interfaces vừa công bố công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Pennsylvania. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một hỗn hợp nấm men và vi khuẩn dùng để vá các vết rách xước trên các bộ đồ bảo hộ làm việc trong môi trường nguy hiểm.
Thử nghiệm vải tự vá của các nhà khoa học. (Ảnh: internet)
Bí quyết của công nghệ sản xuất vải tự vá này nằm ở dung dịch polyelectrolyte có khả năng “tự hồi phục”. Khi nhúng vải vào dung dịch này, các nhà nghiên cứu bổ sung thêm các enzyme đặc biệt để vải có thể kết dính được với nhau.
Về mặt cơ chế, vật liệu hoặc quần áo mục được nhúng trong một chuỗi chất lỏng để tạo ra các lớp vật liệu mới, tạo thành các lớp phủ là chất đa điện phân (polyelectrolyte).
Mẫu vải đã tự liền lại mà không thấy vết tích gì. (Ảnh: internet)
Giáo sư Melik C. Demirel - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết, các nhà thiết kế thời trang thường sử dụng sợi tự nhiên làm từ lụa hoặc len để tạo ra sản phẩm quần áo. Đây là vật liệu rất đắt tiền và không thể tự vá. Điều đó đã thôi thúc họ phát triển công nghệ phủ để giải quyết bất cập này.
Như vậy, khi quần áo bị rách, bạn chỉ việc nhỏ thêm một chút nước ấm rồi ép 2 mép vải chồng lên nhau, các sợi vải sau đó tự gắn kết và nối liền vết rách.
Demirel nói thêm: “Nếu có thể, ta sẽ dùng một lượng enzyme nhất định để làm giảm độc tố của hóa chất độc hại trước khi để chúng chạm tới phần da thịt bên trong lớp quần áo”.
Việc tiến hành thử nghiệm khá đơn giản, các nhà nghiên cứu lấy một mảnh vải rách, nhỏ lên đó vài giọt chất lỏng, ngâm vào nước ấm và giữ chặt hai miếng vải lại. Dù không thấy một mối nối nào, miếng vải vẫn có thể giữ được nguyên vị trí và dính khá chặt. Thậm chí, khi đem miếng vải này đi giặt trong máy giặt thì nó vẫn không hề hấn gì.
Dung dịch được sử dụng là polyelectrolyte. (Ảnh: internet)
Theo lời các nhà nghiên cứu cho biết, công nghệ đột phá này có thể được sử dụng trong y tế, làm giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, tăng tốc độ hồi phục vết thương cho bệnh nhân. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tin rằng, công nghệ này cũng sẽ tạo ra được một cuộc cách mạng trong ngành công nghệ may mặc và xu hướng thời trang trong tương lai.