Tuần trước, Mark Zuckerberg tự hào tuyên bố với các nhà đầu tư rằng trong giai đoạn từ tháng 4-6, hãng đã có một quý làm ăn phải nói là thành công:
- Doanh thu 4,04 tỷ đô, vượt dự đoán của các nhà phân tích ở mức 3,99 tỷ đô.
- Lợi nhuận trên cổ phiếu 0,5 USD, nhỉnh hơn một chút so với dự đoán 0,47 USD.
- Tiếp tục đà đầu tư trong năm 2015, chi phí của quý II năm nay cũng cao hơn hẳn mức cùng kỳ năm ngoái, lên tới 2,76 tỷ đô chủ yếu chi cho các hoạt động R&D.
- Nói đến Facebook hay bất cứ mạng xã hội nào khác thì xem ra các giá trị doanh thu lợi nhuận thông thường còn chưa chắc quan trọng bằng các thông số thể hiện cơ cấu doanh thu hay độ phủ thị trường. Theo đó, mạng xã hội nhấn mạnh mình hiện “sở hữu” 968 triệu người dùng hoạt động hàng ngày, tăng 17% năm, dù thấp hơn một chút so với dự đoán 970,5 triệu. Ngoài ra, tỉ lệ doanh thu quảng cáo đến từ mảng di động chiếm áp đảo với 76%, cao hơn giá trị cùng kỳ năm và cả giá trị quý trước.
Trên đây là tổng hợp một số thông tin được quan tâm sau sự kiện báo cáo hoạt động quý II của Facebook. Ngoài các con số biết nói thì nhà lãnh đạo của mạng xã hội “trùm sò” cũng chia sẻ một số thông tin quan trọng khác.
Kế hoạch “kiếm tiền” từ Messeger
Hồi đầu quý, Facebook đã tung ra một ứng dụng nâng cấp cho Instagram và cho biết kế hoạch mở tất cả các công cụ quảng cáo hiện hữu trên giao diện mạng xã hội chia sẻ ảnh. Hãng cũng cho phép các thương hiệu sử dụng một format mới để tạo ra các slideshows trình chiếu nhiều ảnh với đường dẫn đi kèm.
Tuy nhiên, phải đến sự kiện tuần trước Facebook mới chia sẻ những dự định của mình dành cho ứng dụng Messenger. “Kế hoạch chúng tôi dự kiến thực hiện với messenger và WhatsApp khá giống với kế hoạch kinh doanh dành cho Facebook và Newsfeed”, Zuckerberg cho biết.
Mục tiêu của hãng là tạo ra một “tương tác hữu cơ giữa người dùng và doanh nghiệp”. Có thể thấy là ban đầu, Facebook khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào mạng xã hội của mình mà hoàn toàn không mất phí. Việc tham gia vào mạng xã hội giúp các doanh nghiệp đến gần hơn với nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng, hiểu hơn về mong đợi/ kỳ vọng của khách hàng, biết thêm về các xu thế tiêu dùng mới, và thúc đẩy họ nỗ lực “tương tác” để đẩy lượng “Like” cao hơn. Sau khi có được sợi dây tương tác này, Facebook mới yêu cầu các doanh nghiệp trả tiền để được “tài trợ” cho các posts. Ngày nay, Facebook kiếm được rất nhiều từ các “Promoted Posts” kiểu này, ăn đứt các banner quảng cáo nhấp nháy hai bên giao diện.
Và Zuckerberg khẳng định, “công thức kiếm tiền” tương tự sẽ được áp dụng cho Messenger.
Và một tính năng mới “nhang nhác” LinkedIn
Còn theo báo cáo của The Verge, Facebook đang thử nghiệm một tính năng mới cho phép bạn bè, hoặc chính bạn, thêm các tag vào profile của bạn (giống như cách mà … linkedin đang làm). Thị trường thí điểm đầu tiên là New Zealand. Các tag này sẽ góp phần “minh họa” rõ hơn cho bản sắc của mỗi người dùng. Tất nhiên, không phải tag nào bạn bè “gắn” cho bạn cũng được công khai ngay lập tức mà sẽ phải đợi sự đồng ý của bạn.
Nói tính năng này giống LinkedIn bởi nó hao hao cách mà chúng ta “Endorse” người quen trong mạng lưới của mình những kỹ năng, năng lực đặc thù nào đó.
Tuy nhiên, hình thức tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau – tưởng như rất khách quan và hữu ích này – lại bị biến tướng thành những trò đùa tai quái. Cụ thể, rất nhiều người dùng LinkedIn bị bạn bè gắn cho những kỹ năng rất “trời ơi đất hỡi”, mang nhiều tính châm biếm, trêu chọc. Rõ ràng trên một mạng xã hội việc làm có phần nghiêm túc thì điều này rất không nên, đặc biệt là trong connections của một người lại bao gồm những nhà tuyển dụng kỳ cựu hay các lãnh đạo luôn để mắt tìm kiếm nhân tài. Với một mạng chuyên nghiệp còn thế, với Facebook thì sẽ ra sao?
Và Facebook nói: “Ngoài các cách khẳng định bản thân thông thường trên Facebook, profile tag cho phép bạn thể hiện con người mình một cách thoải mái hơn, vui vẻ hơn. Chúng tôi tin rằng bạn bè có thể giúp bạn nhìn nhận bản thân ở những góc độ độc đáo, khác biệt chưa từng thấy và khiến bạn đặc biệt hơn trong mạng xã hội của mình. Điều này cũng giúp thắt chặt thêm tình bằng hữu. Hãy thực hiện điều này: khen ngợi bạn bè mình và giúp họ hiểu thêm về bản thân qua những tag thông tin thú vị, hài hước.”
Nếu vậy thì nhiều khả năng dấu tag của Facebook sẽ được đón nhận hơn nút “endorse” cứng nhắc của LinkedIn.