Như vậy, các đơn vị thành viên của Alphabet có quyền tự chủ và tự quyết việc mở rộng hoạt động tại quốc gia châu Á, nơi chứng kiến Google “dứt áo ra đi” từ 5 năm trước.
Cũng có thể thấy rằng sau động thái phân tách google thành các đơn vị hoạt động động lập và cùng đứng dưới mái nhà chung Alphabet, mỗi đơn vị này đã có được sự “tự do” trong các quyết sách của mình, đồng nghĩa với việc họ có thể làm việc trực tiếp với các chính phủ quốc gia trên danh nghĩa của mình mà không lo việc này có thể ảnh hưởng hay tác động xấu đến các đơn vị anh em.
Ví dụ, các chuyên viên quản lý dự án Google’s Loon (khí cầu Internet giúp phủ sóng mạng toàn cầu tới những vùng xa xôi, kém phát triển) “sẽ không cần phải quan tâm tới việc những chiếc điện thoại kia chạy hệ điều hành nào hay Google đang có quan hệ đối tác làm ăn với ai. Họ không bị ràng buộc bởi những quy định phức tạp, và điều này thực sự có ý nghĩa với toàn thể doanh nghiệp”, dẫn lời Brin, hiện giữ ghế Chủ tịch của Tập đoàn Alphabet.
Lại nói về Trung Quốc, thị trường tiêu dùng lớn thứ 2 trên thế giới và đang vươn lên vị trí dẫn đầu trong danh sách các “mỏ vàng” của các nhiều công ty công nghệ Mỹ. Điển hình là Apple, doanh nghiệp đã có cú bứt phá ngoạn mục trong năm tài khóa 2015, nhờ vào doanh thu khủng cho hai mã sản phẩm iPhone 6S và 6S Plus trên thị trường Trung Quốc. Mặc cho những biến động kinh tế - tài chính gần đây, quốc gia tỷ dân vẫn rất tự tin vào các tiềm lực phát triển cũng như sức mạnh tiêu dùng của mình. Dễ hiểu vì sao Google vẫn “lăn tăn”, “nóng ruột” trong suốt 5 năm cắt đứt quan hệ với Trung Quốc do một số vấn đề liên quan đến chính sách kiểm duyệt thông tin của chính phủ nước này.
Giờ đây, với một cơ cấu mới, các nhà lãnh đạo Alphabet cũng như Google đã rành mạch nêu lên nguyện vọng “làm lành với Trung Hoa”. CEO hiện thời của Google là Sundar Pichai cũng không giấu diếm ý đồ “hướng Trung” của Google, thậm chí một số báo cáo còn cho thấy công ty công nghệ đang lên kế hoạch tung ra Google Play App Store tại đây.
Bên cạnh đó, Sidewalk Labs - đơn vị chuyên về sáng kiến giúp gia tăng hiệu năng cho các thành phố, cũng như Nest – công ty phát triển nhà thông minh, cũng hào hứng với ý tưởng bước chân vào thị trường lớn nhất châu Á mà không lo những hàng rào kiểm duyệt nước này vẫn đang dựng lên đối với mảng dịch vụ tìm kiếm của Google hay video của Youtube.
Dù vậy, có phải Alphabet “ước gì” là “được nấy”? Sau màn ra đi khá “lùm xùm”, Google phần nào bị chính quyền Trung Quốc “mất cảm tình” và tẩy chay. Đáng chú ý là trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ cách đây không lâu, trong khi CEO Tim Cook của Apple được vinh dự ngồi hàng đầu trong buổi tiếp đón và nhận cái bắt tay hồ hởi của ngài Tập, bộ sậu Alphabet tuyệt nhiên không được mời đến!
Hành trình quay về Trung Hoa của Google và Alphabet, hẳn sẽ rất gian truân!