Dù muốn hay không muốn thừa nhận, iPhone vẫn là một sản phẩm vật chất quá đỗi nổi bật dù là ở bất cứ đâu. Riêng mình nó đã làm nên một thứ thương hiệu, một bản sắc công nghệ hoàn toàn độc lập và bền vững.
Hẳn nhiên, có quá nhiều lý do chúng ta có thể đưa ra để chứng minh về đẳng cấp phi phàm của chiếc điện thoại hoặc theo chiều hướng ngược lại, là phủ nhận nó, cho rằng hãng apple chỉ đơn giản là gặp thời, ăn may mà thôi. Nói gì thì nói, iPhone đã đặc biệt ngay từ lúc “chào đời”.
Thế nhưng, có điều gì đặc biệt mà chẳng ít nhiều gây tranh cãi. Xét cho cùng, ngay trong một thứ được xem là hoàn hảo cũng đã tồn tại mầm mống của khiếm khuyết, mặt trái và những nghi ngờ. Chiếc smartphone với biểu tượng trái táo cắn dở cũng không thể là ngoại lệ.
Công nghệ hiện đại thật đấy, tiện ích thật đấy, song nó đã đủ tốt như nó đã cam kết hay chưa, chẳng lẽ nó không đem lại chút rắc rối nào cho cộng đồng người đang ngày càng tân tiến và hối hả? Đừng vội gật đầu, bởi đơn thuần là bạn không thể…
Kẻ hủy diệt với vũ khí “công nghệ”
iPhone có thể được nhìn nhận như điểm khởi đầu của cuộc cách mạng “thông minh” kết hợp cùng bước phát triển của công nghệ di động không dây manh nha từ thập kỷ trước đó.
Năm 2007, thế giới lần đầu biết đến một sản phẩm điện thoại cầm tay giúp “gánh bớt” chức năng của một chiếc máy tính để bàn, mà như cố chủ tịch steve jobs nhấn mạnh, nó là sự kết hợp của “chiếc iPod màn hình rộng, chiếc điện thoại di động và một phương tiện kết nối Internet hoàn toàn mới".
Với iPhone, không ai còn muốn nghe nhạc trên chiếc iPod “thông thường”, kết nối mạng toàn cầu với chiếc PC ục ịch hay cầm trên tay những “con dế” bàn phím cứng và màn hình màu nhòe nhoẹt nữa. iPhone đã tạo nên một bước nhảy vọt, buộc đối thủ phải tăng tốc thật nhanh, hay là… chết.
Nhưng cũng từ bước nhảy vọt này mà người dùng bị kéo theo cuộc chạy đua công nghệ chóng mặt, căng thẳng chẳng kém những cuộc chạy đua vũ trang. Kết nối Internet phải nhanh hơn, chụp ảnh cần nét hơn, nghe nhạc – xem phim phải chân thực, sống động hơn.
Dần dà, cuộc đua tiến tới địa hạt bất tận mang tên “ứng dụng”, nơi những phát kiến từ vĩ đại đến vặt vãnh được cho ra lò liên tục nhằm phục vụ mọi nhu cầu công việc – giải trí phát sinh của con người, thậm chí phục vụ chúng ngay cả trước khi chúng thực sự xuất hiện.
Từ sự phấn khích ban đầu với chiếc điện thoại iPhone, chúng ta bất lực nhìn làn sóng công nghệ thông minh ầm ầm tràn tới và cuốn phăng đi năng lực “tự thân vận động” của mình. Từ kẻ sở hữu công nghệ, con người bị công nghệ điều khiển, giật dây như chú rối mà chính họ lại chẳng hề nhận ra.
Mang trọng tội với những “kết nối con người”
Một trong những phương diện bị tấn công nặng nề nhất bởi công nghệ chính là các mối quan hệ cá nhân.
Như đã nói ở trên, sự xuất hiện của iPhone đã mở màn cho hàng loạt trào lưu công nghệ. Từ iPhone, một thế hệ người dùng kiểu mới đã ra đời, đó là thế hệ của di động, của ứng dụng và dành ra trung bình 90 phút mỗi ngày đắm chìm trong thế giới của smartphone (tương ứng khoảng 23 ngày trong một năm, theo một nghiên cứu mới đây của mobileinsurance.com).
Tuy nhiên, nên nhớ đây chỉ là một con số trung bình, thực tế có thể cao hơn nhiều áp dụng cho từng vùng đối tượng, với các điều kiện công nghệ - kinh tế - bối cảnh sống khác nhau.
Sơ lược một ngày của con người “thế hệ mới” như sau: tỉnh dậy, vớ lấy cái điện thoại để tắt báo thức, rồi tiện tay check mail, check Facebook. Xuống ăn sáng, họ tranh thủ đọc tin tức hàng ngày.
Đường đến công ty, cắm tai nghe stream nhạc. Tới nhiệm sở, bật máy tính làm việc, xong vẫn thi thoảng liếc notification hiện trên điện thoại, nhận cuộc gọi với khách, nhắn tin trả lời bạn bè. Buổi trưa no bụng, thay vì chợp mắt một chút, họ vớ lấy chiếc máy để đọc mấy mẩu chuyện, chơi vài ván game.
Buổi chiều lặp lại quy trình buổi sáng. Sau một ngày làm việc trở về, họ vừa ăn tối vừa check mail, tìm cách giải quyết những đầu việc còn dở. Trước khi đi ngủ, họ có thể tranh thủ cày thêm vài chương truyện ngôn tình trên máy. Cuối cùng, họ đặt báo thức, cắm sạc, và đặt “dế yêu” ngay cạnh giường.
Một tiếng rưỡi một ngày cho smartphone, e rằng là không đủ.
Điểm đáng chú ý, là rất nhiều người trong số chúng ta hôm nay đang để mỗi ngày của mình trôi theo một quy trình na ná như trên, với anh bạn đồng hành mang tên “điện thoại di động”. Đã bao giờ chúng ta đột ngột ngửng đầu lên và nhìn xung quanh mình, xem cha mẹ, con cái, đồng nghiệp, họ hàng đang nhìn như thế nào về phía chúng ta?
iPhone và những tranh cãi liên miên “vô tiền khoáng hậu”
Có lẽ, sự ra đời của iPhone cùng đồng thời là phát súng mở màn cho tình thế đối đầu thường trực giữa hai phe công nghệ với những ý niệm tôn thờ rất riêng: một bên “tôn thờ” Android, một bên “tôn thờ” iOS.
Có thể nói, chuyện đấu khẩu giữa những tín đồ iPhone (chạy hệ điều hành iOS) và những fan cuồng điện thoại Android (vốn luôn có nhiều lựa chọn smartphone hơn hẳn) ngay từ đầu đã để lộ những điểm bất cập, thế nhưng theo dõi những gì họ “cãi nhau” cũng không phải không thú vị.
Kinh điển nhất là việc người thích Android lớn tiếng bỉ bai những ai sử dụng iPhone là “kém thông minh” (vì có… dốt mới lựa chọn chiếc điện thoại thân thiện, dễ dùng của Táo khuyết).
Không chịu kém cạnh, iFan chê hệ điều hành đối thủ phức tạp khó sử dụng nhưng cũng đồng thời không có bản sắc (vì nó “mở” và mọi đơn vị đều có thể tùy biến thành các phiên bản OS của riêng mình), tính bảo mật kém hơn, tốc độ cập nhật ứng dụng chậm hơn và khó lòng đảm bảo ổn định giá trị cho các thiết bị.
Nếu để dẫn ra những luận điểm bảo vệ cho mỗi phe thì e rằng dung lượng bài viết này sẽ phải dài, dài hơn nữa. Chỉ xin tạm chốt là hệ điều hành nào cũng có điểm cộng, điểm trừ của nó, và trải nghiệm với iPhone hay bất cứ smartphone Android nào cũng đòi hỏi thời gian, sự nghiên cứu và đánh giá khách quan trên rất nhiều phương diện.
Một thực tế là những tranh cãi hiện nay, đa phần rất bộc phát, một chiều và thiếu… kiến thức đầy đủ, bởi không phải ai cũng dùng song song hai mẫu máy để tiện đối chiếu trong suốt quá trình sử dụng.
Câu chuyện tranh cãi giữa iOS - Android, quả thực, là cuộc chiến vô tiền khoáng hậu và cũng chẳng đi đến đâu. Những ai thích iPhone sẽ tiếp tục chờ đón chiếc điện thoại mới qua từng năm. Còn người dùng Android, dù có nhiều lựa chọn hơn thật đấy, nhưng ai dám khẳng định họ không muốn một lần sở hữu chiếc smartphone Táo khuyết bóng bẩy mỗi năm chỉ ra 1-2 mẫu mới.
Hạ hồi phân giải
Như đã nói ở trên, có những cuộc tranh cãi tưởng chừng như không bao giờ dứt, tất cả là do thế đứng, điểm nhìn và thái độ thiên kiến thiếu khách quan điều khiển và “bẻ lái”. Không một lựa chọn nào công bằng, không một kết luận đơn độc nào là thỏa đáng cho những tranh luận như thế này.
Tương tự, iPhone là người hùng hay tội đồ, e rằng không phải là một câu hỏi mang tính lựa chọn. Trong một xã hội phức tạp và ngày càng “công nghệ hóa”, iPhone có thể đem đến sự tích cực nhưng cũng đồng thời phơi bày biết bao mặt trái.
Thay vì kết tội iPhone, phủ định những chiến công mà nó đã tạo lập và đem lại cho thế giới, hãy cùng nhau tìm cách để tối ưu hóa những tiện ích và giảm thiểu các bất cập của nó trong đời sống con người hiện đại.
iPhone, hay bất cứ sản phẩm công nghệ nào, đều có thể là anh hùng và tội đồ, tùy thuộc vào lựa chọn của chính chúng ta.