Đến năm 2017, hơn 50% tổng lượng giao dịch thương mại sẽ được thực hiện qua các kênh di động, theo nghiên cứu của hãng Gartner. Chưa bao giờ, nhu cầu tiếp cận khách hàng ngay trên chính những chiếc smartphone hay tablet của các công ty bán lẻ lại trở nên mạnh mẽ đến thế. Vấn đề mấu chốt nằm ở ba câu hỏi lớn: khi nào, tần suất bao nhiêu và nội dung tấn công sẽ là gì?
Trên thực tế, tần suất tiếp nhận các thông điệp thương mại qua các kênh di động là một tiêu chí quan trọng quyết định sự thành bại của một chiến dịch truyền thông – tiếp thị di động hôm nay. Kết quả nghiên cứu và phân tích của một doanh nghiệp điều tra thị trường – Other Levels – đã đưa ra một kết luận đáng chú ý: càng nhiều thông điệp gửi đến người dùng di động, càng nhiều khả năng biến người dùng đó thành khách hàng của doanh nghiệp.
Cụ thể, trong bài test thị trường kéo dài 8 tuần của mình, Other Levels làm việc với một trung tâm thương mại lớn và một nhà phân phối bán lẻ mặt hàng đồ khô của trung tâm. Theo đó, nhà phân phối đã tiến hành gửi các tin nhắn cho người dùng di động sử dụng ứng dụng di động có tính năng tạo lập danh sách hàng hóa và đánh giá mặt hàng yêu thích. Các tin nhắn/ thông điệp đều đặn gửi đến cho khách hàng “tiềm năng” thông tin về các chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc deal giá tốt dịp nghỉ lễ trong suốt mùa lễ cuối năm 2014 cho đến hết quý I năm 2015. Nhóm người dùng nhận tin cũng được chia làm 5 nhóm đối chiếu có số lượng như nhau, song khác nhau về tần suất nhận các tin nhắn/ thông điệp khuyến mại này.
Tần suất thông điệp là "át chủ bài"
Các phát hiện nổi bật được nêu dưới đây:
+ Những người dùng nhận được số tin nhắn nhiều nhất (khoảng 3 tin/tuần) có xu hướng chuyển đổi thành hành động mua hàng cụ thể cao hơn so với những người dùng nhận được ít tin hơn (chỉ 1 tin/tuần). Ví dụ, nhóm nhận nhiều tin có xu hướng xem một công thức nấu ăn được chia sẻ trên ứng dụng cao gấp 14% so với nhóm nhận ít tin. Điều này trái với quan niệm thông thường, rằng tấn công thông tin dồn dập khiến khách hàng khó chịu và tẩy chay một doanh nghiệp hay thương hiệu.
+ Người dùng nhận được các tin nhắn di động có mức độ sử dụng ứng dụng nhiều hơn. Cụ thể, thống kê cho thấy những người dùng nhận được nhiều tin nhắn từ nhà phân phối có xu hướng truy cập và sử dụng ứng dụng cao hơn hẳn nhóm nhận được ít tin nhắn, đặc biệt trong giai đoạn 4 tuần trước kỳ nghỉ lễ.
+ Đặc biệt, lượng tin nhắn gửi đi cũng ít nhiều tác động tới mức chuyển đổi sang hành vi mua hàng thực tế tại điểm bán. Tức là không chỉ tìm hiểu về mặt hàng hay chương trình khuyến mãi, nhóm khách hàng “bị” tấn công nhiều nhất qua các kênh di động cũng là nhóm chủ động tiến đến các cửa hàng nhiều hơn cả!
+ Thúc đẩy thành công cho các chương trình khuyến mại đích thực là các hình thức thông tin “nóng” gửi tới các khách hàng tiềm năng. Bản thân khuyến mại đã là một chất xúc tác cho hành vi mua hàng, song nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thiếu đi các hình thức “kêu gọi” nhiệt thành qua tin nhắn, chương trình khuyến mại sẽ khó đạt được chỉ tiêu đề ra.
Nhưng nội dung cũng vô cùng quan trọng
Việc nhắc đi nhắc lại một thông tin, sự kiện hay một lời mời chào hấp dẫn tới khách hàng qua các kênh di động quả có tác dụng không ngờ, nhưng nếu bản thân thông tin đó không đủ hay đủ tốt, kết quả có thể đi ngược lại mọi mong đợi.
Xu thế truyền thông – tiếp thị mới luôn đề cao yếu tố nội dung (Content is King!). Tuy nhiên, làm thế nào để tạo ra một nội dung thực sự tốt, ít lời mà nhiều ý, thú vị mà không phô, đầy đủ dữ kiện song không khô khan, tẻ nhạt quả là bài toán khó với các content maker.
Trong thí nghiệm nói trên, bên cạnh việc phân chia các nhóm người dùng di động khảo cứu dựa trên tần suất nhận nội dung, chi tiết nội dung cũng có sự điều tiết để thử phản ứng thị trường.
Cụ thể, bên cạnh các thông điệp mang tính chất thông tin đơn thuần, những thông điệp khuyến khích người dùng phân loại hàng hóa, thêm hàng hóa vào danh mục quan tâm và tạo lập danh sách mua hàng đã góp phần “khuấy động xúc cảm mua sắm” trong lòng họ và đẩy cao doanh số mua thực tế lên thêm ít nhất 14%. Đặc biệt, những nội dung hướng đến hoạt động mua sắm dịp Giáng Sinh hay năm mới sẽ càng phát huy tác dụng nếu như nó hướng dẫn người dùng cách thức scan barcode cho các mặt hàng tại điểm bán với chính chiếc smartphone của mình.
Vậy nên, kết luận dành cho các marketer, đó chính là giá trị của các thông điệp tiếp thị - truyền thông trong kỷ nguyên di động. Các cụ đã có câu: “Đẹp trai không bằng… chai mặt”, hàng hóa dù có tốt đẹp, song nếu không được “trình bày” với khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả và thường xuyên thì e rằng chúng sẽ cứ mãi phải nằm trên kệ.
Và ai dám nói những tin nhắn “bán chung cư” chỉ toàn gây phiền nhiễu và hoàn toàn vô giá trị? Chắc chắn, chúng đã khơi gợi giấc mơ sở hữu một căn nhà của riêng mình cho biết bao con người. Và như vậy, đâu thể nói chúng không đạt được mục đích.