Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ, bà Janet Yellen, đang phải đối mặt với một quyết định khó khăn trong tuần này khi các nhà hoạch định chính sách đặt vấn đề tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua.
Một số chuyên gia cho rằng có thể bà Yellen sẽ không đồng ý với đề xuất lần này, bởi trong mắt họ, bà có vẻ là một người cầm trịch quá rụt rè và lúc nào cũng kiên định với đường lối lãi suất thấp “an toàn”. Thế nhưng, nhìn vào lịch sử tham gia trong ban lãnh đạo FED của bà, có thể thấy janet yellen không hề mềm yếu như người ta "cáo buộc" – bà là một trong những người đầu tiên bỏ phiếu ủng hộ việc tăng lãi suất giữa thập niên 90.
![]() Bà Yellen sẽ khẳng định 'quyền lực' của mình với quyết định tăng lãi suất sắp tới? |
Yellen, một nhà kỹ trị luôn chỉ tin vào những thông tin cụ thể và dữ liệu chính xác trong việc đưa ra một quyết định chính sách quan trọng, ngay lúc này đang cân nhắc rất nhiều trước khi tuyên bố với thế giới: FED sẽ, hoặc sẽ không, tăng lãi suất.
Theo suy luận của các chuyên gia tiền tệ và kinh tế, hiện có 3 nhân tố chủ đạo mà nhiều khả năng bà Yellen và bộ máy của mình đang “mổ xẻ” kỹ lưỡng. Đó là?
1. Báo cáo về số việc làm mới và tỷ lệ xoay vòng lao động (JOLTs)
Đối với Yellen, các giá trị JOLTs phản ánh số lượng việc làm mới được tạo ra cùng tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc hàng tháng là một chỉ thị quan trọng cho chất lượng thị trường lao động. Tỉ lệ nghỉ việc tự nguyện cao cho thấy ngày càng có nhiều người lao động từ bỏ công việc hiện tại để tìm kiếm hay đến với một công việc tốt hơn, đãi ngộ cao hơn.
![]() Biểu đồ tương quan về tỉ lệ lao động nghỉ việc tự nguyện (LHS - đường màu đỏ) và tỉ lệ bị cho thôi việc (RHS - đường màu xanh) giai đoạn 2002 - 2014. |
Theo đó thì kể từ tháng 7, tỷ lệ này duy trì không đổi ở mức 1,9%, song nhìn rộng ra các năm thì mức này vẫn thể hiện xu hướng tăng thỏa mãn các kỳ vọng của nhiều nhà phân tích, đồng thời tương quan với mức giảm tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ.
“Một khi bạn cảm thấy tin tưởng vào nên kinh tế cũng như những nguồn lực của chính bản thân mình, ban có thể từ bỏ công việc hiện tại và tìm đến một công việc khác tốt hơn, rõ ràng đó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, phản ánh sự tồn tại của sức ép lương bổng trên thị trường” dẫn lời John Canally, trưởng nhóm chiến lược kinh tế tại LPL Financial.
Nhiệm vụ “kép” của FED là tối đa hóa các chỉ số việc làm đồng thời bình ổn lạm phát tại thị trường Mỹ. Với nhiệm vụ đầu tiên, có thể nói FED đã hoàn thành được chỉ tiêu đề ra, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5,1% trong tháng 8. Với tỷ lệ xoay vòng lao động đạt mức kỳ vọng nói trên, bên cạnh lượng việc làm mới tăng lên mức kỷ lục 3,9% trong tháng 7, FED có nhiều động lực để hoàn thành sứ mệnh còn lại của mình.
2. Chỉ số Chi phí việc làm (Employment Cost Index)
Nếu như những thông số về lượng việc làm mới và tỷ lệ chuyển đổi việc làm trong dân rõ ràng đang ủng hộ cho kế hoạch tăng lãi suất của nhiều nhà kinh tế, chỉ số chi phí việc làm cũng cần được đặt lên bàn cân trước khi FED đưa ra quyết định sau cùng. Và ở đây, vấn đề có thể nhìn thấy rõ ràng: phục hồi kinh tế vẫn là chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng tiền lương.
Trong cương vị của mình, bà Yellen chắc chắn sẽ phải rà soát cẩn trọng báo cáo Chỉ số Chi phí việc làm thường quý gửi đến từ Bộ Lao động Hoa Kỳ với giá trị đo lường tốc độ tăng trưởng tổng mức đãi ngộ, bao gồm lương thưởng, xét trung bình trên toàn thị trường lao động.
![]() Giá trị chi phí việc làm (phản ánh tăng trưởng tổng mức đãi ngộ của thị trường lao động) đã được cải thiện trong vòng một năm trở lại đây, dù nếu xét riêng trong năm 2015 thì tỷ lệ này có dấu hiệu tăng chậm và chững lại. |
Giai đoạn thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, tỷ lệ thấp nghiệp duy trì ở mức đủ thấp dẫn đến hiệu ứng lạm phát, song tình hình đã đổi khác trong một hai thập kỷ gần đây. Đầu những năm 2000, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ dao động quanh mức 4%, song lạm phát lại không đáng kể.
“Lương bổng ngày nay nhìn chung không chênh lệch là bao giữa Boston (Hoa Kỳ) hay Bắc Kinh (Trung Quốc), điều khác xa những gì chúng ta từng thấy vào những năm 60, 70. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, khi những cơ chế khả dụng trong quá khứ không thể tiếp tục lý giải cho hiện tại được nữa” dẫn bình luận của ông Canally.
Về bản chất, quá trình cân nhắc của bà Yellen và các quan chức FED đòi hỏi việc phán đoán những dấu hiệu thắt chặt của thị trường lao động liệu có dẫn đến tình trạng lạm phát tăng hay không, và đây sẽ là “lý do đích thực cho một bước đi rõ rệt”.
Hiện lạm phát của thị trường Mỹ vào khoảng 1,5% theo phương pháp tính của FED. Tuy nhiên Ngân hàng Trung ương lại cần có những chứng cớ xác đáng củng cố kỳ vọng lạm phát tăng lên 2%, và đó lại là điều chưa ai dám chắc chắn. Có lẽ vấn đề nằm ở chính tốc độ tăng trưởng tiền lương còn có phần hạn chế: “Chúng ta cần nhìn thấy tăng trưởng lương bổng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, bởi hiện giờ, ngoài những cải thiện sơ khai và nhãn tiền của thị trường việc làm, chúng ta chưa có đủ cơ sở để chắc chắn”, ông Canally cho biết.
Các chi phí liên quan đến công ăn việc làm là mối quan tâm hàng đầu của FED bởi trong quý II, chỉ số này chỉ tăng nhẹ 0,2%, thấp hơn mức kỳ vọng 0,6% mà Bộ Lao động đề ra trong tháng 7 và mức tăng thực tế 0,7% ghi nhận trong quý I năm nay.
3. Chỉ số Điều kiện tài chính (Financial Conditions Index)
Theo các chuyên gia, nếu FED tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất tháng này thì nhiều khả năng cũng là do những biến động của thị trường tài chính chứng khoán trong tháng 8, cho thấy nền kinh tế số một thế giới có dấu hiệu chững lại trước những quan ngại mang tên “Trung Quốc”.
![]() Mức độ 'lỏng', 'chặt' của thị trường tài chính chứng khoán Mỹ phản ánh qua biểu đồ ghi nhận giai đoạn 2009 - 2015. |
Bởi vậy, FED cũng lo rằng một cú hích lãi suất sẽ gây thêm những căng thẳng không cần thiết dẫn đến tình trạng suy giảm vốn vay ngân hàng và gây tác động xấu tới nền kinh tế. Rõ ràng, “bình ổn tài chính” là điều mà FED luôn hướng tới, và để kiểm chứng trạng thái này, các chuyên gia sẽ phải tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống chỉ số điều kiện tài chính nhằm đánh giá tổng quan tình hình thị trường tài chính và tín dụng Hoa Kỳ, sức mạnh của đồng đôla Mỹ nói riêng cũng như của thị trường tiền tệ nước này nói chung, bên cạnh các thông số quan trọng liên quan tới các sàn chứng khoán.
Cũng theo Bloomberg, chính điều kiện hiện nay của thị trường tài chính là tác nhân chủ chốt dẫn đến sự trù trừ của Cục dự trữ Liên bang trong việc ra quyết định tăng lãi suất tuần này. Ngay cả khi đã có hai tuần hồi phục khá tốt, diện mạo thị trường vẫn chưa được cải thiện là bao kể từ tháng 9 của ba năm trước.
Ông Canally bình luận: “Điều này khiến FED không vui chút nào. Họ có muốn thắt chặt thêm một thị trường đã quá chặt đâu cơ chứ.”