Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, công luận thế giới xôn xao trước tình trạng bùng nổ người di cư từ các vùng chiến sự tới các quốc gia châu Âu, làm nảy sinh nhiều vấn đề nhân đạo và buộc mọi con người, mọi chính phủ phải tự chất vấn về ranh giới giữa pháp luật và tình người.
Đặc biệt, hình ảnh em bé di cư người Syria chết đuối giữa đại dương và trôi dạt vào bờ biển như đỉnh điểm của một cơn chấn động lan tỏa năm châu, hé mở thêm biết bao câu chuyện đau xót, thương tâm và những góc khuất của chiến tranh, tội ác và sự lừa gạt trắng trợn.
Giữa những nỗ lực giải quyết còn mang tính tạm thời, giằng xé giữa một bên là các nỗi quan ngại liên quan tới an ninh chính trị - xã hội và một bên là thái độ thúc giục vì quyền lợi con người, một tỷ phú Ai Cập đã khiến toàn thế giới phải chú ý, không phải bởi sự giàu có, mà chính bởi động thái giải quyết vấn đề “độc đáo” và đáng hoan nghênh của mình.
Đó là ông Naguib Sawiris, một doanh nhân đến từ Ai Cập, Chủ tịch Tập đoàn sở hữu công ty viễn thông Wind Telecom có mạng lưới hoạt động đa quốc gia, kiêm Chủ tịch Orascom Telecom Media & Technology có trụ sở đặt tại Cairo, Ai Cập. Với tài sản cá nhân hiện vào khoảng 3 tỷ USD, ông là tỷ phú thứ 577 của thế giới, trong khi là người giàu có thứ 3 tại Ai Cập và thứ 10 tại Châu Phi (Theo Forbes).
Chân dung tỷ phú với tấm lòng vàng
Naguib Sawiris sinh năm 1954, là con trai cả của gia tộc Sawiris quyền lực và giàu có. Cha ông, Onsi Sawiris, là một thương nhân cấp tiến song gặp phải nhiều trở ngại với chính quyền của chế độ cũ dưới thời tổng thống Gamal Abdel Nasser, phải cùng gia đình rời bỏ quê hương và lập nghiệp tại Libya. Sau khi hồi hương dưới thời tổng thống mới Anwar Sadat, ông Onsi cùng 3 con trai của mình – tất cả đều có học vấn cao và thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến Tây Âu – nối lại các hoạt động kinh doanh tại Ai Cập.
Năm 1979, Tập đoàn Orascom được thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, viễn thông, du lịch cũng như thực hiện các khoản đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ. Cũng từ thời điểm đó, Naguib Sawiris cùng hai em trai giúp cha gây dựng và phát triển Orascom – một trong những tập đoàn đa ngành hùng mạnh nhất tại Ai Cập.
Như đã nói ở trên, ông Naguib Sawiris và hai người em của mình đều học hành đến nơi đến chốn và có đóng góp rất lớn cho thành công của Orascom hôm nay. Naguib Sawiris lấy bằng Kỹ sư cơ khí và Thạc sỹ quản lý kỹ thuật từ Học viện công nghệ Zurich, Liên bang Thụy Sỹ. Ngoài năng lực chuyên môn, ông còn thành thạo 4 thứ tiếng: A-rập, Anh, Pháp và Đức.
Kể từ khi gia nhập Tập đoàn của cha mình, ông đã góp sức lớn vào việc xây dựng hoạt động cho mảng công trình đường sắt, viễn thông và công nghệ thông tin cho Orascom. Những bước đi chiến lược của Naguib cũng thúc đẩy sự phân tách của tập đoàn Orascom thành 3 doanh nghiệp vận hành độc lập, bao gồm Công ty cổ phần Viễn thông Orascom (OTH), Công ty xây dựng Orascom (OCI) và Công ty hệ thống công nghệ, dịch vụ khách sạn & phát triển Orascom (OTS).
Với năng lực chuyên môn và lãnh đạo, có thể nói ông Sawiris đã có một sự nghiệp lẫy lừng, với tổng giá trị tài sản hiện vào khoảng 2,9 tỷ USD, đưa ông vào danh sách các tỷ phú của thế giới với thứ hạng 577. Tuy nhiên, nếu tính tổng tài sản của gia đình Sawiris, Forbes ước tính con số có thể lên tới 36 tỷ USD! Cân nhắc tình hình kinh tế còn nhiều chật vật của Ai Cập, có thể thấy rõ quyền lực cũng như những nỗ lực củng cố địa vị của nhà Sawiris.
Thành công trong sự nghiệp cũng như mang các tham vọng can thiệp chính trường, Naguib Sawiris cũng có một gia đình hạnh phúc với vợ và bốn người con.
Hành hiệp trượng nghĩa
Có lẽ, Naguib Sawiris là một trong những người bức bối nhiều nhất trước cơn khủng hoảng di cư và sự trù trừ, do dự của các quốc gia trong việc tìm ra cách thức giải quyết hợp tình hợp lý. Thay vì đứng ra hô hào, đấu tranh hay biểu tình, ông chọn một cách đối phó thực tế và tương xứng với tầm vóc tỷ phú của mình: mua đảo cho người di cư lánh nạn. Và không một hòn đảo, ông đang tìm kiếm tới… hai.
“Tất cả những gì tôi cần là sự chấp thuận (của các chính quyền) nhằm đưa những người này định cư trên đảo. Được vậy rồi tôi sẽ không đòi hỏi thêm bất cứ điều gì nữa. Tôi sẽ trả tiền mua đảo, tôi sẽ tạo công ăn việc làm cho người di cư, tôi sẽ tự chịu toàn bộ các chi phí vận chuyển phát sinh. Tôi biết là tôi có thể làm được những điều này.”
Ông Sawiris cho biết mình thực sự tha thiết với nghĩa cử nhân văn nhưng cũng hết sức “điên rồ” này, bởi ông không thể chịu được cảnh những người di cư, hay đúng hơn là những người tị nạn chiến tranh, bị đối xử như súc vật. Ông cũng cho biết mỗi hòn đảo sẽ cho phép khoảng 100.000 – 200.000 người lánh nạn tạm thời, với những mái nhà và nhu yếu phẩm đầy đủ. Tuy nhiên, bất cứ ai có ý nguyện rời đảo và trở về quê hương đều sẽ được hỗ trợ.
Về “dự án” của mình, ông Sawiris khẳng định những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên đảo sẽ chiếm phần lớn chi phí dự án, ước tính lên tới 100 triệu USD. Có rất nhiều việc phải làm để “sang sửa” trọn vẹn một hòn đảo phục vụ hoạt động định cư và sinh sống của hàng chục hàng trăm nghìn người, bao gồm việc xây cất nhà cửa, trường học, bệnh viện, mạng lưới điện và nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, trước khi công trình lớn lao này có thể được khởi công, công tác dàn xếp để mua được một hòn đảo đòi hỏi rất nhiều thủ tục pháp lý và thương thuyết, đặc biệt với các nước sở hữu nhiều đảo trống như Hy Lạp hay Italia.
Biết là sẽ có rất nhiều khó khăn, song ông Naguib Sawiris chắc chắn sẽ không nản lòng. Với ý chí của một doanh nhân đã kinh qua gian khổ, đồng thời cũng là một người chồng, người cha mẫu mực, hình ảnh đứa trẻ Syria chết trên bờ biển hẳn làm cho Naguib đau đáu khôn nguôi.
“Tôi đã quyết định đặt tên hòn đảo là “ILAN”, theo tên em bé người Syria đã chết và dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, một cách để nhắc nhủ chúng ta về nỗi đau đã qua. Còn giờ, tôi cần phải tìm cho ra hòn đảo đó!” ông chia sẻ trên trang Twitter của mình.