Lý do cho việc FED không tăng lãi suất
Cuối cùng, những yếu kém của nền kinh tế toàn cầu và biến động trên thị trường tài chính chứng khoán được nêu ra như là hai nguyên nhân chính thúc đẩy quan điểm giữ nguyên mức lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ.
Còn theo Ngân hàng Trung ương, “thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, với tốc độ tăng trưởng việc làm bền vững và tỉ lệ thất nghiệp trên đà giảm.” Mặt khác, mức chi dùng trong dân cũng như các khoản đầu tư doanh nghiệp đã tăng tương đối và nhất là thị trường nhà ở “cải thiện khá nhiều”. Điểm yếu của nền kinh tế hiện nay, đó là mức xuất khẩu có phần “èo uột” do những vấn đề kinh tế-chính trị toàn cầu.
Nói gì thì nói, kinh tế Hoa Kỳ đã có cú bật mạnh mẽ trong quý II sau giai đoạn tăng trưởng chậm hồi đầu năm. Với những cải thiện đáng kể của thị trường lao động, FED kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ còn 4,6% vào cuối năm 2016, tức là thấp hơn dự đoán 5,1% đưa ra trong tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, chút khởi sắc ban đầu của thị trường lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung (với dự báo tăng trưởng 3,7%/ năm đưa ra trong quý II) có vẻ chưa đủ để FED tự tin tăng lãi suất, do những diễn tiến tích cực nói trên chưa thể “kéo lại” mức lạm phát kỳ vọng 2%/năm. FED cũng đành hạ dự báo lạm phát xuống còn 1,7% trong năm 2016 và 1,9% trong năm 2017.
“Chúng tôi đã làm việc hết sức mình để tổng hợp dữ liệu từ những phân tích sâu sắc nhất.” Bà Yellen nói trong buổi họp báo.
Dẫu vậy, các nhà hoạch định chính sách vẫn kỳ vọng vào khả năng tăng lãi trong năm nay, giúp đẩy mức lãi suất các quỹ đầu tư tăng từ 0,125% lên 0,375%, trước khi đạt mức 2,625% vào cuối năm 2017 và lãi suất trong dài hạn bình ổn ở mức 3,5%, tức là đã hạ so với dự đoán trước đó ở mức 3,75%.
Vấn đề với cách thức truyền đạt thông tin
Sau sự kiện này, người ta mới thấy FED khó đoán thế nào. Chỉ non nửa số các nhà nghiên cứu kinh tế lờ mờ cảm thấy FED sẽ giữ nguyên hiện trạng lãi suất như hiện nay. Còn trước khi chính thức đưa ra quyết định này, bà Yellen giữ im lặng trong suốt hai tháng. Hai cộng sự thân tín của bà, tuy liên tục đưa ra các thông tin và bình luận sát ngày “phán quyết”, song lại lái tình hình theo những chiều hướng khá trái ngược, khiến chuyên gia và báo giới cảm thấy mình như bị “tung hỏa mù”.
Sau khi tuyên bố quan điểm của mình và Cục, bà janet yellen cũng cho rằng việc dự đoán quyết định của một tổ chức tài chính lớn thông qua những bình luận bên lề thật là không nên, và các nhà phân tích chỉ cần nhìn vào thực tế thị trường tài chính là đã có thể tự đưa ra câu trả lời cho bản thân mình.
Tuy nhiên, bà Yellen cũng nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách cũng không nên chỉ nhìn vào những lên xuống thường nhật và tức thời của nền kinh tế, mà phải biết nhìn rộng và sâu, tích lũy mọi nguồn tin và tiến hành phân tích kỹ lưỡng.
Quyết định đã có, giờ câu hỏi đặt ra là bà Yellen sẽ tiếp tục dẫn dắt FED như thế nào. Giống như người tiền nhiệm, ông Ben Bernanke, bà Janet Yellen cũng là một nhà cầm trịch cẩn trọng và luôn suy xét mọi quan điểm, góc nhìn trước khi cho mở cuộc họp ủy ban. Bà cũng là người đánh giá cao tầm quan trọng của các ghi nhận lịch sử trong việc tạo đà hay gây tác động tới các động thái ở thì hiện tại.
Bởi vậy, có thể thấy FED đã duy trì một thứ ngôn ngữ đối thoại khá bình tĩnh, mềm mỏng và không mang khuynh hướng cực tả trong việc thông báo mức lãi suất gần 0 của mình. Cách này, nhiều khả năng, sẽ cho phép bà Yellen và các cộng sự thực thi những thay đổi linh hoạt và mang tính xoay chiều bất ngờ trong thời gian tới.