Những lời miêu tả nói trên là dành cho những cư dân Mỹ Latin siêu giàu và số cư dân “loại này” đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, vượt qua mọi địa bàn giàu sang khác trên thế giới. Họ thèm khát những món hàng hiệu đắt tiền, song lại làm ngơ trước tình cảnh đói khổ của biết bao đồng bào và chắc lép đến từng đồng tiền thuế.
Mỹ Latin: Mỏ vàng cho các thương hiệu
Châu Mỹ Latin, phần lãnh thổ phía Nam bán cầu với 600 triệu người đang cư ngụ cũng là nơi chứng kiến sự giàu lên của 15.000 “siêu đại gia” có giá trị tài sản cá nhân không dưới 30 triệu đôla Mỹ (theo thống kê của công ty tư vấn Wealth-X). Bên cạnh đó, người ta cũng “đếm được” 151 tỷ phú tại khu vực này, tăng 38% so với năm 2014. Có thể nói, đây là địa bàn có tốc độ tăng trưởng tỷ phú nhanh nhất trên thế giới.
Mẫu Porsche siêu sang trưng bày trong Triển lãm Xe hơi Sao Paulo, Brazil tháng 10 năm 2012. |
Khi con người trở nên giàu có hơn, họ bắt đầu quan tâm tới hàng hiệu và những món đồ xa hoa đắt đỏ. Rõ ràng, các thương hiệu xa xỉ phẩm đã nhanh chóng bắt sóng mỏ vàng mới, bằng chứng là họ đang có các chiến lược “hướng nam” hòng chiếm lĩnh các thị trường Latin đang lên.
Một ví dụ cụ thể là Porsche, vốn đã đón đầu xu thế và có mặt tại châu mỹ latin từ 15 năm nay. Trong từng ấy năm, thương hiệu xe hơi thể thao đến từ nước Đức đã chứng kiến doanh số bán ra hàng năm của mình tăng từ 300 lên 3.900 chiếc và những vị khách “sộp” nhất đến từ Mexico và Brazil. Tuy nhiên, Giám đốc Porsche khu vực Mỹ Latin là George Wills cũng cho biết: “Các thị trường đang tăng tốc nhanh nhất hiện nay là Peru, Columbia và Panama, với mức tăng trưởng có thể lên tới 60%.”
Với mảng sản phẩm máy bay cá nhân, Mexico hiện là nước có mức tiêu thụ đứng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Thế nhưng, theo nghiên cứu và dự đoán của hãng sản xuất máy bay Embraer đến từ Brazil, quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này sẽ sớm vượt mặt Mexico trong vòng 10 năm tới.
Cũng theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thi trường tiêu thụ hàng hóa cao cấp tại Mỹ Latin sẽ đạt tổng giá trị 26,5 tỷ USD vào năm 2019, tăng kỷ lục 88,8% chỉ trong 5 năm (một tốc độ mà nhiều xứ sở giàu sang khác có đuổi theo hụt hơi cũng không kịp).
Tài phiệt Carlos Slim đến từ Mexico hiện là người giàu thứ 2 thế giới theo Forbes, với tổng giá trị tài sản ước tính 77 tỷ USD. |
Giấu mình sau bức tường của các tòa biệt thự đẹp lung linh là những đầu nậu khai khoáng, những ông trùm viễn thông, những tay buôn đất “có nghề” và biết bao nhà tài phiệt chiếm giữ một lượng lớn giá trị của cải vật chất. Thế nhưng, chính sự giàu sang nhanh chóng của một bộ phận cư dân càng tô đậm tình trạng phân hóa giầu nghèo sâu sắc trong nội bộ các quốc gia châu lục này.
“Bình đẳng tài chính”
Như đã nói ở trên, các đại gia Mỹ Latin đến từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau, cụ thể như ông trùm viễn thông Mexico Carlos Slim, hiện là người giàu thứ 2 trên thế giới với tổng trị giá tài sản 77 tỷ USD (Theo Forbes); đầu nậu buôn bia Jorge Paulo Lemann người Brazil với tài khoản sở hữu 25 tỷ đô; ông trùm khai khoáng người Chile Iris Fontbona với 13,5 tỷ đô và theo sát là “ngân hàng gia” Luis Carlos Sarmiento đến từ Colombia với 13,4 tỷ đôla Mỹ. Trong khi một số là đại gia "tay trắng làm nên" thì cũng không ít người giàu lên nhờ những khoản thừa kế kếch sù.
Thế nhưng, “giàu cũng là cái tội”, nhất là ở những quốc gia còn nhiều đói kém như Nicaragua nơi 42,5% người dân sống dưới mức nghèo khổ, song chỉ 210 cá nhân siêu giàu đã cầm giữ giá trị tài sản gấp 2,5 lần tổng sản phẩm kinh tế nước này sản xuất được hàng năm. Rõ ràng, châu Mỹ Latin đang là tấm gương phản chiếu chân thực nhất cho tình trạng phân hóa giàu nghèo đang lan rộng trên thế giới, với phần đông sống trong nghèo đói còn phần ít lại hưởng thụ mọi sung sướng, giàu sang. Đặc biệt, phản ứng của người dân Mỹ Latin càng thêm phần gay gắt bởi mức thuế mà người giàu khu vực này phải chi trả rất thấp, thuế đánh vào thu nhập bất thường (như tài sản thừa kế) thì gần như không tồn tại.
Một thí sinh tham dự cuộc thi sắc đẹp cho người chuyển giới tổ chức tạiRio de Janeiro tháng 2 năm 2015. |
Năm ngoái, tổ chức nhân đạo Oxfam đã lên tiếng kêu gọi “bình đẳng tài chính” nhằm giúp các nước châu Mỹ Latin rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Thế nhưng, hô hào thì dễ, thực hiện mới khó khăn. Mới tuần trước, Tổng thống Ecuador là Rafael Correa đã phải chịu nhiều phản đối và đành từ bỏ kế hoạch xây dựng dự thảo thuế thừa kế tài sản với mức áp thuế có thể lên tới 35.400 USD.