Nền kinh tế thế giới đang ở trong một giai đoạn chuyển giao mạnh mẽ, với mức độ ảnh hưởng có thể gấp đến 3000 lần những ảnh hưởng đến từ cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đầu thế kỷ 19. Điều này buộc các doanh nghiệp và chính phủ phải rà soát thật kỹ lưỡng các quyết định của mình – theo nhận định của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey.
Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới khẳng định 4 nhân tố chính thúc đẩy sự chuyển biến này bao gồm: toàn cầu hóa, công nghệ, dân số già và đô thị hóa – đặc biệt thấy rõ tại các nền kinh tế mới nổi. Theo Giám đốc của Viện là ông Richard Dobbs: "Bốn động lực này đang gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bởi nếu thống kê cho thấy từng có 10 triệu người nằm trong vùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp, thì hiện con số là 3 tỷ người sinh sống tại các thị trường đang lên."
Thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi - Nguồn ảnh: The Economist. |
Báo cáo cũng khẳng định rằng chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng tăng trưởng kinh tế mạnh nhất tại 440 thành phố của các nền kinh tế mới (đa phần đến từ khu vực châu Á). Có thể lấy ví dụ như thành phố cảng Thiên Tân nằm ở Tây Bắc trung quốc hiện có GDP ngang ngửa Stockholm và tầm nhìn đến năm 2025 sẽ có mức tăng trưởng bằng cả quốc gia Thụy Điển. Kinh nghiệm 25 năm nghiên cứu đã được Dobbs và cộng sự đúc kết trong một cuốn sách, khẳng định phương Tây cần có nhận thức đúng đắn về xu thế mới để đối phó phù hợp, tránh bị các nền kinh tế mới nổi vượt mặt và bỏ xa.
Không nghi ngờ gì nữa, hiện châu Á là địa bàn giao dịch thương mại sầm uất nhất của thế giới và các dòng tương tác "Nam – Nam" giữa các thị trường đang lên cũng đã tăng gấp đôi giá trị chỉ trong vòng một thập kỷ. Dự đoán trong năm 2015, GDP của ấn độ sẽ đạt 7,2% còn Trung Quốc đạt 6,8%.
Trung Quốc ngày càng có tầm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. |
Richard Dobbs cho biết: "Chính bởi cơn khủng hoảng tài chính vừa qua mà chúng ta xao nhãng cuộc chuyển biến toàn diện của nền kinh tế. Những gì ta đang thấy chỉ là giai đoạn mở màn cho kỷ nguyên trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi và tâm điểm của thế giới sẽ dịch chuyển về phía Đông. Các doanh nghiệp dường như vẫn còn ngơ ngác trước những đổi thay sắp tới." Thế nhưng, chuyên gia kinh tế của McKinsey vẫn tin vào sự vững mạnh của kinh tế Âu – Mỹ, cho rằng nhiều phát kiến sáng tạo và lý thú sẽ tiếp tục được sản sinh tại khu vực này. Quan trọng là, phương Tây không được chủ quan khinh địch.
McKinsey cũng tin rằng sự tăng tốc của công nghệ trong những năm trở lại đây đã rút ngắn vòng đời của nhiều doanh nghiệp và buộc các nhà lãnh đạo, quản lý phải liên tục tìm kiếm các nguồn lực mới, thay đổi các mô hình làm việc sao cho phù hợp với xu thế phát triển.
Trong khi đó, lão hóa dân số lại là vấn đề đau đầu với các nhà hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia. Dân số già cùng tình trạng giảm sinh, nếu không sớm được khắc phục, sẽ dẫn tới một cục diện không có lợi cho loài người.
Gợi ý giải pháp cho các chính phủ và doanh nghiệp, Dobbs tóm gọn trong 3 điểm: "Trọng tâm hướng ngoại, nhanh nhẹn thích ứng và có thái độ đúng mực trước các vấn đề cần đối mặt."