Trong một bức email nội bộ mà Financial Times khai thác được, CEO của uber là Travis Kalanick đã khẳng định điều này và tiết lộ ý định huy động thêm các nguồn vốn bổ sung cho UberChina vào ngày 22/6 tới. Trước đó, Uber đã huy động được khoảng 5 tỷ đô cho thị trường đang lên này, bao gồm khoản đầu tư 600 triệu đô đến từ công ty Baidu (Trung Quốc). Khi được yêu cầu xác nhận về các thông tin nói trên, đại diện của Uber từ chối đưa ra bình luận.
CEO của Uber, Travis Kalanick. |
Song không cần Uber xác nhận thì các số liệu thống kê cũng chứng minh được tính xác thực của email trên. Tốc độ phát triển của Uber trên thị trường Trung Quốc đang tăng chóng mặt và top 10 thành phố "yêu thích nhất" hiện nay của hãng đều nằm ở quốc gia đông dân nhất thế giới, tiêu biểu là Quảng Châu, Hàng Châu và Thành Đô.
Theo đó, có khoảng 1 triệu lượt người sử dụng Uber mỗi ngày tại Trung Quốc. Sau 9 tháng mở dịch vụ tại Thành Đô và Hàng Châu, lượng đặt xe đã đạt những con số kỷ lục, gấp 479 và 422 lần New York trong khoảng thời gian tương đương.
Xem ra, đầu tư vào Trung Quốc trong thời điểm này thực sự đem đến cơ hội quý giá cho Kalanick và đội ngũ cộng sự của mình. Ngay cả những tài xế Uber ở Trung Quốc và khách đi xe cũng hoàn toàn hưởng ứng chiến lược này.
Để tấn công thị trường Trung Quốc, Uber đã không ngần ngại bỏ ra rất nhiều tiền, kể cả việc trả công cho tài xế nhiều hơn mức cước thu về.
Một tài xế Uber ở Trung Quốc - Nguồn: New York Times. |
"Đây là cơ hội quá tốt để tôi kiếm thêm tiền."- anh Jacky, 34 tuổi, chuyên viên phân tích hệ thống tại một công ty viễn thông đa quốc gia cho biết. Jacky hiện sống ở Thượng Hải, sở hữu một chiếc Ford Fiesta và gần đây đã đăng ký gia nhập đội ngũ tài xế Uber. Anh Jacky chỉ là 1 trong số 60.000 người Trung Quốc đã có thêm một việc làm, hay có được một công việc chính thức, nhờ sự "giúp đỡ" của Uber trong một tháng trở lại đây. Anh cũng cho biết là trong số các đơn vị cung cấp dịch vụ lái xe "tay ngang" thì Uber trả lương hậu hĩnh nhất và chỉ trong 3 tuần đầu của tháng 5, anh đã kiếm được gần 1.000 USD, bằng già nửa số lương anh nhận được với công việc chính của mình.
Người dân Trung Quốc cũng rất thích dịch vụ của Uber, bởi mức phí rẻ hơn tới 35% cho với cước taxi thông thường, mà xe lại "xịn" hơn, lái xe dễ chịu và được phục vụ nước uống miễn phí. Những người như chị Li Yufang, 28 tuổi, hiện là nhân viên phát triển bất động sản ở Bắc Kinh đã chuyển hẳn sang dùng dịch vụ Uber từ tháng 1: "Tôi thích gọi xe của bên này vì giá rẻ hơn rất nhiều so với việc thuê taxi hay xe riêng."
Lẽ dĩ nhiên, Uber không phải không có đối thủ ở Trung Quốc. Mặc dù hoạt động trên địa bàn rộng lớn phủ khắp 310 thành phố của 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, Uber vẫn vấp phải sự cản trở của Didi Kuaidi – dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa Trung Quốc, với sự "chống lưng" của hai doanh nghiệp công nghệ lớn nhất nước này là Alibaba và Tencent. Các rào cản đến từ chính phủ cũng là rủi ro lớn mà Uber đang phải dự phòng, cân nhắc.
Thế nhưng, với những triển vọng lớn lao trước mắt, chắc chắn Uber sẽ không nản lòng. Và trong cuộc chiến giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, người được hưởng lợi nhiều nhất luôn là "quần chúng nhân dân".