Tập ăn cho bé thực sự là một việc rất thử thách đặc biệt là ở giai đoạn ăn dặm, khi bé đang dần dần làm quen với các loại thực phẩm khác ngoài sữa, cho nên, phụ huynh cần bình tĩnh và sáng suốt. Dưới đây là 6 nguyên tắc mẹ cần nhớ khi bé bắt ầu ăn dặm:
1. Cho bé ăn đa dạng thực phẩm
Mẹ nên giới thiệu đa dạng các loại thực phẩm vào chế độ ăn uống của trẻ trong giai đoạn bắt đầu ăn dặm, vì điều này sẽ làm tăng cơ hội duy trì một chế độ ăn cân bằng của bé ở tuổi trưởng thành. Ngay khi bé bắt đầu ăn dặm đến khi lớn lên, mẹ nên bao gồm nhiều hương vị và thay đổi kết cấu món ăn cho bé theo thời gian, từ lỏng đến đặc, từ ăn nhuyễn đến ăn thô trong bữa ăn của bé. Khi được ăn uống một cách đa dạng sẽ giúp cho bé cảm thấy hào hứng trong bữa ăn hơn.
Nếu chỉ được ăn cùng một món trong ngày thì trẻ sẽ cảm thấy chán ăn và từ chối thức ăn hoặc không chịu ăn khi đến bữa. Do đó, mẹ cần cho bé ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và chế biến phù hợp để con có thể hấp thu dễ dàng và tránh tình trạng chán ăn.
2. Làm gương cho con
Con trẻ có khả năng bắt chước người lớn rất nhanh chóng, nếu đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ có thói quen ăn uống tại bàn ăn, bé cũng sẽ bắt chước như thế. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động tạo lập thói quen tốt cho con bằng cách ăn uống đúng cách, đầy đủ và nên cho bé cùng tham gia mỗi bữa ăn.
nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng thói quen ăn uống có được từ thời thơ ấu vẫn tồn tại cho đến tuổi trưởng thành, do đó, thiết lập các thói quen ăn uống tốt ngay từ đầu sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển của con sau này.
Cha mẹ cần chủ động tạo lập thói quen tốt cho con bằng cách ăn uống đúng cách, đầy đủ và nên cho bé cùng tham gia mỗi bữa ăn.
3. Giới thiệu từng món thực phẩm cho bé
Khi bé bắt đầu ăn dặm mẹ nên giới thiệu cho bé ăn một loại thực phẩm trong thời gian 3 ngày rồi mới đến thực phẩm khác. Nếu trong bữa ăn mẹ giới thiệu cùng lúc nhiều món thì nên cho bé ăn riêng từng món chứ không nên trộn chung nhằm xác định nguyên nhân dị ứng đồng thời cũng giúp mẹ nhận biết được bé thực sự thích món ăn nào.
Mẹ cũng cần chú ý không nên nóng giận hay ngăn cản con khi bé muốn chạm, cầm nắm hay thậm chí ngửi mùi thức ăn bởi vì trẻ chỉ đơn thuần hành động theo bản năng khám phá của mình.
4. Không ép buộc con ăn
Con bạn có thể là một đứa trẻ chậm chấp nhận các thực phẩm mới hoặc không có thói quen ăn uống tốt. Đừng băn khoăn, hãy bình tĩnh và thư giãn. Ép buộc trẻ ăn khi bé không đói hoặc bắt ép bé phải ngồi vào bàn ăn khi đang nóng giận có thể mang lại nhiều bất lợi.
Theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng Marie - Hélène Bourdages: "Nguyên tắc cơ bản khi cho bé ăn là hãy thu hút bé chứ không ép buộc".
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cha mẹ có ảnh hưởng quan trọng đến việc lựa chọn thực phẩm cho bé, kể cả sự can thiệp thái quá của cha mẹ có thể làm giảm chất lượng và hàm lượng calo trong bữa ăn của bé. Vì vậy, phụ huynh nên tránh khiến bé cảm thấy căng thẳng trong bữa ăn mà hãy tìm cách hấp dẫn bé bằng việc chế biến, trình bày thức ăn thật phong phú và đa dạng.
5. Chậm rãi và kiên nhẫn
Nếu muốn con bắt đầu ăn món nào, hãy giới thiệu với bé một cách từ từ và không cần phải quá nhiều trong một lần ăn. Mỗi đứa trẻ có giai đoạn phát triển của riêng mình, và cha mẹ cần phải hiểu và chấp nhận điều đó.
Bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào trong cuộc sống của bé cũng đòi hỏi cả sự kiên nhẫn và điều độ từ cha mẹ. Vì vậy, hãy bình tĩnh và tránh to tiếng hoặc la mắng các con khi bé không ăn được các món mới. Điều này có thể khiến bé tạo ra những phản ứng tiêu cực với bữa ăn, và thậm chí có thể phản tác dụng với mục tiêu của phụ huynh. Nếu bé không muốn thử món mới hôm nay, hãy thử một lần nữa vào hôm sau hoặc một ngày khác.
Mỗi đứa trẻ có giai đoạn phát triển của riêng mình, và cha mẹ cần phải hiểu và chấp nhận điều đó.
6. Tuân theo khả năng phát triển của trẻ
Thay vì buộc trẻ ăn khi bé không muốn, phụ huynh nên tuân theo khả năng của bé để giúp con phát triển hiệu quả khả năng của mình. Chẳng hạn như khi bé có thể dùng muỗng tự xúc thức ăn nhưng sẽ không thành thạo hoặc làm rơi vãi rất nhiều, bố mẹ cần tiếp tục thực hành thói quen này khi trẻ lớn hơn, khi bé đã thực sự sẵn sàng.
Vào giờ ăn, hãy để bé cầm muỗng xúc và mẹ có thể giúp bé di chuyển chiếc muống về phía miệng bé. Khi tập luyện nhiều lần, bé sẽ trở nên thành thạo. Phụ huynh càng để đứa trẻ tham gia mọi hoạt động với sự tò mò thì bé sẽ càng phát triển theo hướng tích cực hơn.
Làm cha mẹ thực sự là một hành trình không ngừng học hỏi và khi những lúc khó khăn xuất hiện, hãy che lấp bằng những khoảnh khắc hạnh phúc khi chứng kiến con tận hưởng bữa ăn đã được chuẩn bị với đầy tình yêu thương của cha mẹ.