Độ xe bằng tiền xác xe, thì Kawasaki KLX 250 có những gì ?
Nhờ sự nở rộ của phong trào đua xe mô tô địa hình, các dòng xe cào cào ngày càng nhận được sự quan tâm của khách Việt, đặc biệt là những người dùng ưa thích cái chất phiêu lưu khám phá, đa dụng trên nhiều loại địa hình khác nhau.
Tuy nhiên, off-road là một bộ môn đòi hỏi thể lực, kĩ năng và cả tài chính. Với những người dùng ưa thích dòng xe này nhưng muốn sử dụng làm phương tiện đi lại hàng ngày, việc xuống dáng motard/supermoto (bánh trơn) giống chiếc Kawasaki KLX 250 trong bài viết này là một giải pháp hợp lý.
Tuy nhiên, off-road là một bộ môn đòi hỏi thể lực, kĩ năng và cả tài chính. Với những người dùng ưa thích dòng xe này nhưng muốn sử dụng làm phương tiện đi lại hàng ngày, việc xuống dáng motard/supermoto (bánh trơn) giống chiếc Kawasaki KLX 250 trong bài viết này là một giải pháp hợp lý.
Kawasaki KLX 250 2018 nguyên bản và sau khi được "độ" lại theo phong cách supermoto để đi phố (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Từ trạng thái nguyên bản sử dụng cấu hình mâm 21 inch phía trước và 18 inch phía sau kèm bộ lốp địa hình, một chiếc motard sẽ sử dụng mâm 17 inch trước/sau kèm lốp trơn chỉ chạy onroad. Đây là bài "độ" cơ bản nhưng ít có chiếc KLX 250 nào tại Việt Nam "vào" nhiều đồ chơi như chiếc trong bài.
Đuôi đèn nguyên bản đã được loại bỏ, thay thế bằng đuôi "bay" để tôn dáng, pad bắt biển số mới gắn liền cụm đèn hậu tích hợp xi-nhan (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Đầu đèn của xe được thay thế sang loại có mẫu mã giống KLX 450R để tăng tính thẩm mỹ. Dè trước nguyên bản có kích thước khá lớn đã được thay sang loại dè ngắn từ dòng D-Tracker 250 (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Điểm nổi bật của chiếc KLX 250 này nằm ở dàn chân gồm mâm Warp 9, đùm Honda CRF250, cùm phanh Brembo trước/sau; trong đó phía trước là model Billet 4 piston, kết hợp cùng đĩa phanh có đường kính lên tới 320mm.
Hệ thống "âm thanh" của chiếc cào cào phố này cũng được lên đủ bài với FMF full-system bao gồm: cổ pô, bầu Megabomb và lon pô FMF Q4. Đây là thương hiệu nổi tiếng, chuyên cung cấp pô độ cho các dòng xe cào cào.
Với việc lên đầy đủ từ cổ đến lon pô, công suất của xe có cải thiện nhẹ nhưng "ngốn" nhiều xăng hơn, vào khoảng 3,8 lít/100km theo chia sẻ của chủ xe (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Ngoài những điểm nhấn như trên, chiếc KLX 250 này còn lắp thêm một số đồ chơi như: bảo vệ két nước, lọc gió K&N, ghi-đông Neken, cùm ga chuyên nghiệp, ống ga CNC, tay phanh RCB và bảo vệ tay lái Cycra.
Tổng giá trị tiền đồ chơi trên chiếc KLX này lên tới hơn 80 triệu đồng. Trong khi đó, một chiếc KLX nguyên bản cùng đời 2018 có giá khoảng 90-100 triệu đồng trên thị trường 2 bánh đã qua sử dụng, tùy chất lượng xe.
Ghi-đông rộng giúp người lái tự tin hơn trong việc điều khiển xe, tăng tính ổn định và khả năng kiểm soát (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Trải nghiệm vận hành thực tế cho thấy chiếc KLX 250 motard có khá nhiều khác biệt với nguyên bản.
Đầu tiên, việc xuống bộ mâm 17 inch giúp hạ thấp trọng tâm xe, đem lại cảm giác đầm chắc hơn khi đánh lái, đồng thời lốp trơn khi ma sát với mặt đường nhựa cũng không đem lại cảm giác rung như lốp gai địa hình.
Không hoành tráng như bánh trước, bánh sau của xe chỉ sử dụng cùm phanh Brembo 1 piston nhưng vẫn cho lực hãm dư dả với một mẫu xe 250cc (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Tiếp đến, lực hãm phanh từ bộ đôi Brembo quá lớn so với hệ thống treo của xe nhưng bù lại, phuộc trước và sau của dòng KLX 250 đều có thể điều chỉnh rebound (tùy chỉnh độ trả về của ty phuộc sau khi đã nhún hết hành trình và trở lại vị trí đầu nhanh hay chậm).
Để hạn chế lực phanh lớn, chủ xe đã chỉnh rebound gần như lên mức cứng nhất. Điều này giúp xe không bị quẫy đầu hay lắc đuôi khi sử dụng phanh, tăng độ đầm chắc khi chạy ở tốc độ cao nhưng phải hi sinh độ "nhún nhảy" đặc trưng của dòng xe cào cào.
Dẫu vậy, sự đánh đổi này là hợp lý bởi chiếc xe được sử dụng với mục đích chính là đi phố hoặc đi tour đường trường, không off-road.
Xe đang sử dụng lốp Pirelli Rosso Sport 120/70R17 trước và Pirelli Rosso 3 140/70R17 phía sau (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Sau khi lên đủ các bài "độ" từ lọc gió cho đến hệ thống pô, công suất đầu ra của chiếc Kawasaki KLX 250 này cũng có khác biệt nhẹ với nguyên bản. Không chỉ vậy, chủ xe cũng đã thay đổi cấu hình nhông tải, phía trước hạ từ 15 răng xuống 13, phía sau tăng từ 42 lên 45.
Thiết lập này giúp xe có sức kéo lớn ở dải tua đầu. Số 1 và số 2 đem lại khả năng bứt phá tốt, đáp ứng nhu cầu vượt xe, nhưng mất ga hậu.
Động cơ của Kawasaki KLX 250 có 1 xi-lanh, dung tích 249cc, phun xăng điện tử, làm mát bằng dung dịch, kết hợp với hộp số 6 cấp cho công suất tối đa 21,5 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 20,5Nm (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Việc thay đổi nhiều so với nguyên bản yêu cầu người dùng phải tiêu tốn nhiều chi phí hơn. Theo chia sẻ của chủ xe, ngoài việc hao xăng hơn bình thường, chi phí thay thế phụ tùng cũng đắt đỏ hơn.
Lấy ví dụ, cùm phanh nguyên bản sử dụng các loại má phanh có giá khoảng 200.000-500.000 đồng nhưng má phanh Brembo lại có giá 1 triệu đồng. Người dùng có thể lắp má phanh thường nhưng cùng cỡ vào cùm phanh Brembo, tuy nhiên điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất phanh.
Tiếp đến, lọc gió "độ" K&N và hệ thống pô FMF full-system thay đổi khá nhiều về xăng và gió, yêu cầu người dùng phải vệ sinh họng ga và kim phun thường xuyên hơn nguyên bản.
Việc thay đổi cấu hình mâm, nhông tải và lốp còn khiến mắt đọc công-tơ-mét của xe bị sai số, tốc độ thực tế thấp hơn nhiều so với tốc độ hiển thị trên cụm đồng hồ (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Kawasaki KLX 250 hiện đã bị ngừng phân phối tại Việt Nam, hãng chỉ đưa về dòng KLX 230. Ngoài ra, người mới chơi còn một số lựa chọn cào cào chính hãng khác như Yamaha WR155R (niêm yết 79 triệu đồng) hoặc Aprilia RX/SX 125 (91,5-92,5 triệu đồng).
Ngoài những cái tên kể trên, Honda CRF300L cũng được người chơi ưa chuộng. Tuy nhiên, thị trường chỉ có xe nhập khẩu tư nhân với giá bán khoảng 250 triệu đồng, ngang giá niêm yết của các dòng xe 650cc chính hãng như Honda CB650R (247 triệu đồng).
theo tin:dantri
Có thể bạn quan tâm: