Trung Quốc đang là thị trường xe hơi "béo bở nhất" mà bất cứ hãng ôtô nào cũng muốn có phần của mình ở đó. Con số hơn 1 tỷ khách hàng tiềm năng, doanh số tăng chóng mặt, giá nhân công rẻ cùng luật lao động cởi mở khiến nhiều nhà đầu tư coi đây là nơi kiếm tiền số 1. Tuy nhiên, ở đây không phải không có những khó khăn, thậm chí là nguy cơ. Mải theo đuổi "mồi nhử" lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất đang phải đối mặt với những khó khăn từ chính các công ty trong nước của Trung Quốc.
Chỉ 1 năm sau khi mua nhà máy của BMW tại Brazil, Lifan đã có ôtô để sang Việt Nam triển lãm. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Mượn" công nghệ thông qua các liên doanh kỳ lạ
Thị trường xe hơi Trung Quốc do chính phủ kiểm soát và được điều tiết bởi chính sách công nghiệp ôtô bị đánh giá là phức tạp như "mì sợi". Tại đất nước đông dân nhất thế giới có khoảng 100 nhà sản xuất khác nhau. Tuy nhiên, 90% thị phần lại thuộc về 8 công ty nhà nước lớn (liên doanh với nước ngoài) và 10% dành cho hơn 90 nhà sản xuất còn lại.
*GM và Chery giải quyết mâu thuẫn pháp lý |
* Tham vọng của ôtô Trung Quốc |
*Bí quyết thành công của xe hơi Trung Quốc |
Một điểm đáng chú ý là những liên doanh ôtô ở Trung Quốc này rất lạ, không giống như các mô hình thông thường. Tại đây, một công ty nhà nước có thể liên doanh với nhiều hãng là những đối thủ của nhau ở các nơi khác. Tất cả 8 đại gia này đều liên doanh với các nhà sản xuất nổi tiếng thế giới và bao gồm những cái tên không lạ lẫm trong ngành công nghiệp ôtô thế giới hiện nay như FAW, Công ty ôtô Thượng Hải SAIC, Nam Kinh... Ngoài ra, luật Trung Quốc không cho phép một công ty nước ngoài (hoặc công ty liên kết) sở hữu quá 50% số vốn trong các liên doanh.
Hãng xe trong nước | Các hãng liên doanh nước ngoài |
FAW | Toyota, Volkswagen, Mazda |
SAIC | General Motors, Volkswagen |
Changan | Ford, Suzuki |
Dongfeng | Peugeot Citroen, Honda, Nissan-Renault, Kia |
Guangzhou AIC | Toyota, Honda |
Beijing AIC | DaimlerChrysler, Hyundai |
Nanjing AIC | Fiat |
Brilliance AIC | BMW |
Nhờ hai chính sách trên mà các hãng trong nước hưởng lợi rất nhiều. Khi các nhà sản xuất nước ngoài cố gắng kiếm càng nhiều lợi nhuận thì chính họ lại đang làm đầy ví tiền của đối tác trong nước bởi tỷ lệ vốn sở hữu luôn thấp hơn. Đó là chưa kể tới việc nếu muốn giành thị phần, các nhà sản xuất bắt buộc phải tung ra nhiều sản phẩm, nhiều công nghệ vào những liên doanh của mình. Do đó, vô hình trung họ tạo điều kiện để các nhà sản xuất trong nước hưởng thành quả công nghệ và thiết kế, mà không mất đồng đầu tư nghiên cứu nào.
Tập trung vào các hãng độc lập trong nước
Khi thị trường phát triển, số lượng các công ty độc lập trong nước (không có vốn đầu tư nước ngoài) được dịp phát triển như nấm sau mưa. Ban đầu, những công ty này sản xuất xe máy, sau đó chuyển dần sang sản xuất ôtô. Ngoài ra, còn một bộ phận công ty thành lập nhờ nguồn vốn lấy từ các ngành công nghiệp khác (như điện chẳng hạn) hoặc do các công ty sản xuất thiết bị phụ trợ tự lắp ráp cho mình. Trong số các công ty loại này, có thể kể tới các hãng có tên tuổi như Southeast, Chery, Geely, GreatWall, Zhongxin, Jianghuai, Hafei.
Trong chiến lược của chính phủ Trung Quốc, các công ty độc lập đóng vai trò lớn, đặc biệt là mục tiêu xuất khẩu ôtô. Điển hình nhất là Chery. Hãng này đã kết hợp với nhà công nghiệp Malcolm Bricklin để nhập khẩu các sản phẩm Chery vào Mỹ dưới thương hiệu Visionary Vehicles. Mới đây, dù thất bại trong việc đưa sản phẩm sang Mỹ vào 2007 do xe của Chery không đạt tiêu chuẩn khí thải và an toàn, nhưng Bricklin vẫn tin tưởng sẽ làm cuộc cách mạng trên thị trường với những sản phẩm giá rẻ mà chất lượng không hề kém. Ngoài Malcolm Bricklin, DaimlerChrysler còn cho biết có thể hãng này sẽ liên kết với Chery sản xuất xe hạng nhỏ ở Mỹ.
Hai bước đi trên của Chery chỉ là phần nhỏ trong kế hoạch bành trướng. Để chuẩn bị cho một chiến lược dài hơi, Chery quyết định mua lại nhà máy đã đóng cửa của Volkswagen tại Westmoreland, Mỹ và tái thiết nó ở quê hương. Từ những công nghệ và dây chuyền mua được, Chery sẽ cho ra đời những chiếc xe theo thiết kế của hãng Seat dựa trên nền mẫu Jetta nổi tiếng. Hành động của Chery khiến nhiều chuyên gia thấy "sợ" cho VW vì hiện tại Jetta đang là mẫu xe bán chạy nhất ở Trung Quốc. Ngoài ra, thị trường này còn đóng góp khoảng 21% lợi nhuận trước thuế cho tập đoàn xe hơi lớn nhất châu Âu.
VW không phải là "nạn nhân" duy nhất của Chery. Nhằm mở rộng hoạt động, hãng này từng thực hiện chiến dịch thuê các kỹ sư từ những nhà sản xuất khác khác, trong đó có Daewoo. Ngay sau khi tuyển lực lượng này về, Chery tung ra 2 mẫu mới gồm "Son of the Orient" và QQ có thiết kế đặc biệt giống với Magnus và Matiz (hay còn gọi là Chevrolet Spark) của Daewoo. Thậm chí, cao tay hơn, Chery còn tung ra QQ sớm hơn 6 tháng so với Spark và giá bán thấp hơn 1.500 USD.
Hành động này của Chery khiến GM, hãng sở hữu Daewoo "nóng mắt" và quyết định đưa vụ việc ra tòa với lý do Chery đã copy và sử dụng trái phép những bí mật thương mại. Đáp trả, Chery cho rằng họ phát triển QQ một cách độc lập và chỉ "lấy cảm hứng" từ Matiz. Tuy nhiên, GM kiên quyết theo đuổi vụ kiện bởi theo nhà sản xuất này, chỉ với những “cảm hứng”, các kỹ sư ở Chery khó lòng tạo nên 2 chiếc xe giống hệt tới từng chi tiết trên ở thân, cửa…
Sau 3 năm kiện cáo, cuối cùng 2 bên cũng đạt được thỏa thuận mà không kết luận được ai đúng ai sai. GM chỉ có một thắng lợi nhỏ nhoi là Chery không được phép bán sản phẩm của mình ở Mỹ vì cái tên này quá giống với "Chevy" - tên gọi khác của Chevrolet tại Mỹ. Còn về bản quyền thiết kế, tháng 9/2005, văn phòng sở hữu trí tuệ Trung Quốc xác định thiết kế của Spark chưa bao giờ được đăng ký tại đây nên không được luật sở hữu trí tuệ tại nước này bảo vệ.
Nỗi lo của các "ông lớn"
Vấn đề của GM khiến nhiều nhà sản xuất nước ngoài bắt đầu chú ý hơn khi đầu tư vào đây do lo sợ những vụ việc tương tự. Ngoài những sự việc trên, còn một thực tế nữa là chính phủ Trung Quốc kiểm soát gần như mọi thứ trong hệ thống cung cấp, từ lao động, nguyên vật liệu, phân phối bán lẻ, thuế và luật giao thông. Chỉ cần một chính sách nào đó trong hệ thống này thay đổi, các hãng xe nước ngoài có thể "lãnh đủ".
Vì vậy, theo các chuyên gia, không thể chỉ nhìn vào lợi nhuận. Các nhà sản xuất còn phải tính tới nhiều yếu tố đặc trưng khi quyết định đầu tư vào Trung Quốc. Bởi nếu không, ôtô Trung Quốc sẽ càng sớm đạt được mục tiêu của mình. Khi đó, những ông lớn như GM và Ford sẽ phải chiến đấu với Chery, Geely ngay tại Mỹ, VW sẽ phải về châu Âu phòng thủ, còn Honda và Toyota mất hẳn thị trường tiêu thụ lớn.
Trọng Nghiệp tổng hợp