Hãng xe số một thế giới cho rằng hiện tượng này chỉ xuất hiện trên một số ít xe Corolla. Dù vài chủ xe cho biết, xe của họ chết máy khi đang ở giao lộ hay ngay trên đường cao tốc, Toyota vẫn nói rằng việc đó không liên quan tới vấn đề an toàn.
Theo NHTSA, thực tế, Toyota đã biết về trục trặc ở module điều khiển động cơ (ECM) từ ít nhất hơn hai năm nay. Tháng 9/2007, hãng này gửi thông báo tới các đại lý, cho biết cần thay thế ECM bằng một mẫu khác đã được nâng cấp cho dòng xe Corolla sản xuất từ 2005-2007 và một lượng xe Matrix cùng đời. Tổng số khoảng 1,2 triệu xe.
Một chiếc Toyota Corolla 2007, loại xe đang nằm trong danh sách đen tại Mỹ. Ảnh: Toyota. |
Hàng năm, có tới hàng trăm thông báo về dịch vụ kỹ thuật kiểu trên được các hãng sản xuất ôtô đưa ra, ủy quyền cho các đại lý sửa chữa miễn phí nếu một khách hàng phàn nàn về một lỗi kỹ thuật đặc trưng hoặc sửa chữa khi xe tới làm dịch vụ. Nhưng họ lại không bảo đảm cho việc sửa chữa miễn phí, các chủ xe cũng không được cảnh báo về những hệ quả sau đó.
Trong bức thư gửi tới NHTSA vào tháng 3, Toyota khẳng định "họ không tin rằng cái được cho là lỗi kỹ thuật này gây ra rủi ro lớn đối với an toàn của chiếc xe". Đây là câu trả lời của Toyota khi NHTSA đặt vấn đề để chuẩn bị cho sự đánh giá, bước đầu tiên trong ba bước có thể dẫn tới việc yêu cầu triệu hồi (recall) xe từ phía chính phủ Mỹ, dù việc đó ít có khả năng xảy ra.
Toyota đã phải cho triệu hồi 5,4 xe tại Mỹ do lỗi tấm lót sàn làm kẹt chân ga, và 2,3 triệu xe do chân ga bị dinh. Có tới 52 cái chết do tai nạn giao thông với xe Toyota được cho là vì lỗi xe tăng tốc đột ngột, dù NHTSA cho biết họ vẫn chưa xác minh hết tất cả các trường hợp này.
Vẫn chưa đi đến đâu trong vụ bê bối trên, giờ đây Toyota lại "dính bùn" với dòng Corolla. Theo người đứng đầu của tờ Edmunds: "Toyota không phải triệu hồi Corolla không có nghĩa hãng này đã bước sang một giai đoạn mới trong việc quan tâm hơn tới an toàn của xe. Nếu tôi đang đi qua một giao lộ, chiếc xe đột ngột chết máy và có thể bị đâm, thì đó là vấn đề an toàn".
Mỹ Anh