Cuộc họp báo diễn ra với sự góp mặt của ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc và bà Đỗ Ngân Bình, cố vấn pháp lý của Toyota Việt Nam.
- Quyết định tạm đình chỉ công tác với anh Lê Văn Tạch dựa trên quy định pháp lý nào ?
- Chúng tôi dựa trên điều 92 của Luật Lao động, trong đó đề cập tới việc một nhân viên bị tạm đình chỉ khi có dấu hiệu vi phạm nội quy, có đơn kiến nghị của người giám sát và tham khảo ý kiến công đoàn.
Đây chỉ là tạm đình chỉ với thời hạn tối đa 3 tháng, tạm ứng 50% lương. Sau đó nếu anh Tạch vi phạm, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý cuối cùng. Còn nếu không vi phạm, anh sẽ trở lại làm việc bình thường và hưởng nốt 50% lương còn lại.
Ông Akito Tachibana (phải) tại buổi họp báo chiều 13/6. |
- Nguyên nhân nào khiến công ty ra quyết định này?
- Ngày 31/5, anh Tạch có thư gửi Tổng giám đốc, yêu cầu công ty xin lỗi chính thức và bồi thường về lời đe dọa và xúc phạm của những người làm việc trực tiếp. Trong số đó có trưởng phòng Nguyễn Đình Chương, với lý do không cho anh Tạch nghỉ ốm hai lần trong tháng 4.
Đến ngày 9/6, chúng tôi tổ chức cuộc đối chất giữa những người bị tố cáo với anh Tạch. Tại đây anh Tạch không đưa ra được bằng chứng chứng minh những điều viết trong đơn kiến nghị ngày 31/5 là sự thật. Các nhân chứng cũng phủ nhận các vấn đề có trong đơn tố cáo. Ngoài ra, anh Chương thực tế đã ký xác nhận đơn xin nghỉ ốm.
Vì những thông tin sai đó, ngày 11/6, anh Chương có đơn gửi Tổng giám đốc, đề nghị công ty có biện pháp xử lý để tránh ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành cũng như uy tín cá nhân.
Cùng ngày, với sự có mặt của phòng nhân sự, phòng pháp chế và các bằng chứng anh Chương cung cấp, thường vụ công đoàn đã kiến nghị lên Tổng giám đốc nhất trí việc anh Tạch có những hành vi ảnh hưởng tới người khác và xâm phạm danh dự, uy tín cá nhân trong công ty.
Chiều 11/6, Tổng giám đốc ra quyết định tạm đình chỉ công tác với anh Tạch trong 3 tháng, hiệu lực từ 13/6.
- Tại sao anh Tạch gửi thư kiến nghị, những người liên quan không bị tạm đình chỉ để xem xét. Khi anh Chương kiến nghị ngược, anh Tạch lại phải chịu hình thức này?
- Cùng là đơn kiến nghị, nhưng nội dung do anh Tạch gửi và anh Chương gửi hoàn toàn khác nhau.
Trong thư gửi Tổng giám đốc, anh Tạch không đề cập tới việc yêu cầu giải quyết các mâu thuẫn cá nhân mà lại yêu cầu công ty chính thức xin lỗi, bồi thường. Chúng tôi không được coi là đối tượng đứng lên giải quyết mà bị anh Tạch coi là đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Sau cuộc đối chất ngày 9/6, chúng tôi khẳng định những đề nghị trên của anh Tạch là không hợp lý, thiếu căn cứ và thiếu tính hợp pháp.
Trong khi đó, đơn kiến nghị của anh Chương nói rõ công ty đứng ra giải quyết các vấn đề tố cáo sai sự thật của anh Tạch. Nó phù hợp với trình tự xử lý các vấn đề mâu thuẫn nội bộ.
- Những lời đe dọa và chửi mắng anh Tạch, như trong đơn, xảy ra khi nào, có phải vào thời gian xác định lỗi kỹ thuật hay không?
- Chúng tôi không thể đưa ra câu trả lời, vì thực tế anh Tạch không chứng minh được những lời đe dọa, chửi mắng đó là có thật. Công ty không thể nói về một điều mà thực tế nó không diễn ra.
- Hành động này xảy ra không lâu sau việc anh Tạch tố cáo 3 lỗi của các dòng xe Innova và Fortuner, khiến Toyota Việt Nam phải triệu hồi hàng chục nghìn xe. Nhiều người nghĩ rằng hai việc có liên quan với nhau. Các vị bình luận gì về điều này ?
- Quyết định tạm đình chỉ công tác dựa trên những vấn đề mang tính nhân sự, không liên quan tới việc anh Tạch đưa các thông tin về lỗi kỹ thuật cho giới truyền thông trước đó.
Chúng tôi không trù dập. Nếu chỉ dừng lại ở vấn đề kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, công ty sẽ không có hành động nào.
Trong buổi họp báo, TMV cũng thông báo về những 4 lỗi kỹ thuật liên quan tới các sản phẩm đang lắp ráp tại Việt Nam. |
Trọng Nghiệp ghi