Lý do mà liên doanh này đưa ra là để điều tra, xác minh hành vi gây ảnh hưởng tới người khác và hành vi xâm phạm danh dự, uy tín một số cá nhân trong công ty của ông Lê Văn Tạch.
Ngày 31/5, ông Tạch có thư gửi Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV), yêu cầu công ty xin lỗi chính thức và bồi thường về lời đe dọa và xúc phạm của những người làm việc trực tiếp với ông, trong quá trình kiến nghị về chất lượng sản phẩm.
Đây là những người do chính Tổng giám đốc cử xuống để làm việc nên công ty phải chịu trách nhiệm về tổn thất mà họ đã gây ra cho ông và gia đình. Trong số những người bị tố cáo có Trưởng phòng Nguyễn Đình Chương, với lý do không cho ông Tạch nghỉ ốm hai lần trong tháng 4.
Innova, dòng xe bán chạy nhất tại Việt Nam và gặp sự cố với số lượng lớn. |
Đến ngày 9/6, một cuộc đối chất giữa những người bị tố cáo với ông Lê Văn Tạch được tổ chức, có sự hiện diện của Tổng giám đốc. Theo TMV, ông Tạch không đưa ra được bằng chứng chứng minh những điều viết trong đơn kiến nghị ngày 31/5 là sự thật. Ngoài ra, trưởng phòng Nguyễn Đình Chương cũng đã ký xác nhận đơn xin nghỉ ốm và hoàn toàn không đúng như trình bày của ông Tạch.
Dựa trên những thông tin sai về mình, ngày 11/6, ông Nguyễn Đình Chương có đơn gửi Tổng giám đốc, đề nghị công ty có biện pháp xử lý để tránh ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành cũng như uy tín cá nhân.
Chiều cùng ngày, TMV ra quyết định tạm đình chỉ công tác 3 tháng với ông Tạch, bắt đầu từ 13/6, hưởng 50% lương, để có thời gian điều tra, xác minh vấn đề mà ông Chương đưa ra.
Liên doanh này khẳng định đây là vấn đề hoàn toàn mang tính chất nội bộ, giữa các cá nhân trong công ty. Không liên quan tới việc ông Lê Văn Tạch tiết lộ thông tin về sự cố lắp ráp của Toyota cho giới truyền thông trước đó.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Văn Tạch nhận định ngắn gọn "Toyota Việt Nam đang mắc sai lầm lớn" và không đưa ra bình luận nào thêm.
Cuối tháng 3, kỹ sư Lê Văn Tạch, người làm việc cho TMV từ 2003 có bản tường trình về sự cố trong quá trình lắp ráp của dòng xe Innova và Fortuner.
Ngày 1/4, Toyota đã thừa nhận sai sót trong quá trình lắp ráp, nhưng chỉ với Innova, và con số lượng bị lỗi có thể là 8.830.
Đến ngày 15/4, TMV ra thông báo triệu hồi gần 66.000 xe liên quan tới các lỗi như áp suất dầu phanh bánh sau vượt quá tiêu chuẩn của Toyota toàn cầu với 167 chiếc Innova J. Tiếp đến là bu-lông camber của hệ thống treo trước vặn không ở trạng thái chuẩn, gồm 7.370 xe Innova.
Lỗi bu-lông ghế sau xiết không đủ lực có thể xảy ra với 53.280 chiếc Innova và 12.423 chiếc Fortuner.
Tuy nhiên ngày 7/6 TMV mở rộng diện triệu hồi từ 167 chiếc lên 6.108 xe Innova J do có thể bị lỗi áp suất dầu phanh bánh sau lớn hơn tiêu chuẩn.
Trọng Nghiệp