Không ngoa khi cho rằng chiếc S80 đủ sức cạnh tranh với ngay cả những tên tuổi lớn nhất của dòng sedan hạng sang cỡ trung như BMW serie 5 hay Mercedes-Benz E-class. Ngay khi động cơ Yamaha V8 dung tích 4,4 lít cất giọng, lập tức có thể nhận thấy một sức trẻ trung mạnh mẽ từ chiếc xe và người ta có lý khi cho rằng dường như công suất thực tế của nó phải cao hơn con số 311 mã lực mà nhà sản xuất đưa ra. Nhờ đó, chiếc xe có thể tăng tốc tới 100 k/.h chỉ sau 6,6 giây. Khách hàng cũng có thể lựa chọn động cơ 3,2 lít 6 xi-lanh thẳng hàng với công suất 235 mã lực. Hộp số tự động 6 cấp là loại tiêu chuẩn.
Hệ thống dẫn động hai cầu Haldex kết hợp với hệ thống Dynamic Stability and Traction Control (DSTC) hạn chế tối đa các khả năng xe bị trượt bánh. Hệ thống Haldex sẽ chỉ truyền lực ra bánh sau khi các bánh trước bắt đầu bị trượt. Khi cả 4 bánh cùng mất độ bám, DSTC sẽ can thiệp để đưa xe trở lại trạng thái bình thường.Hệ thống treo có thể điều chỉnh độ cao. Dù vậy, khung gầm của xe không được ổn định như của BMW. Điều khiến cho nó được đánh giá cao là các kỹ sư của Volvo đã khéo léo tạo ra sự cân bằng giữa khả năng điều khiển của xe với tiện nghi mà nó mang lại. Không thể so sánh một chiếc BMW nhưng rõ ràng S80 vận hành mạnh mẽ và năng động hơn một chiếc sedan thể thao thông thường.
Bảng điều khiển trung tâm của S80 có rất nhiều nút bấm nhưng được bố trí rất gọn gàng, không hề rối mắt. Sự đơn giản trong thiết kế lại mang đến cho bảng điều khiển này nét lịch lãm, quý phái. Hai đồng hồ analogue tạo nên phong cách đồng nhất, tăng thêm sự đĩnh đạc của xe.
Trong số các công nghệ được trang bị cho S80, có 3 tính năng đáng kể nhất. Đầu tiên là hệ thống an toàn cá nhân, có thể xác định xem phải chăng ai đó đang cố gắng cậy cửa xe. Tiếp đó là hệ thống Blind Spot Information System (BLIS) sẽ nháy sáng một bóng đèn gắn ở trục A mỗi khi có một chiếc xe đi vào trong khoảng mù (khoảng phía sau xe mà người lái không thể quan sát), cảnh báo rằng hiện không phải là thời điểm thích hợp để chuyển làn. So với các hệ thống chỉ đơn giản thông báo khi xe chạy lệch khỏi làn đường, thiết bị của Volvo tỏ ra hữu dụng hơn nhiều. Cuối cùng, hệ thống cảnh báo va chạm Collision Warning with Brake Support (CWBS) sử dụng sóng radar để thông báo bất cứ khi xe chạy quá gần một chiếc xe đang đỗ trong bãi. Về mặt lý thuyết, không có gì mới nhưng điểm hay của CWBS rất ít khi cảnh báo sai.
Lý do chủ yếu khiến cho bạn sẽ không thấy hàng nghìn xe S80 chạy trên đường, là lịch sử. Khách hàng của phân khúc xe hạng sang đã từ lâu quen bỏ rơi cái tên Volvo khi đi tìm những sản phẩm cao cấp. Và chỉ bởi vì công ty cuối cùng có một chiếc sedan thú vụ ở trọng phân khúc này không có nghĩa là những người giàu sẽ lập tức mua nó. Tuy nhiên, Volvo phải rất toại nguyện rằng đã có một gương mặt đáng gờm.
Volvo S80. Ảnh: Driving.ca. |
Thế Phong (theo Driving.ca)