Dưới đây là một số món ăn đặc trưng của xứ Huế có ở Sài Gòn.
1. Bún bò Huế:
Bún bò Huế. |
Đại diện tiêu biểu nhất trong ẩm thực Huế chính là bún bò. Ai từng ăn bát bún bò Huế sẽ không quên được cái vị cay của nó. Cái vị cay chính là ớt. Ớt được người bán cho một ít vào trong nước dùng, ngoài ra trên bàn ăn luôn có nhiều loại ớt cho bạn lựa chọn như: ớt băm, ớt sa tế, ớt trái thái lát... Bát bún bò Huế nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà, ăn xong thì người đã toát mồ hôi hột.
2. bánh bèo chén:
Bánh bèo chén. |
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Muốn chiếc bánh bèo dẻo, mềm và thơm ngon, người làm bánh phải chọn loại gạo còn thơm hương lúa mới. Gạo vo sạch, ngâm nước trong nhiều giờ trước khi đem xay. Gạo sau khi xay thành bột mịn, người thợ pha vào một ít nước lọc để bột lỏng nhưng vẫn giữ được độ dẻo nhất định. Bột được chế vào từng chén và đem hấp chín.
Chiếc bánh bèo hấp dẫn với màu trắng của bột gạo, màu vàng rộm của tôm cháy ăn kèm với chén nước mắm ngọt cay xé lưỡi đúng chất Huế.
3. Bánh bột lọc:
Bánh bột lọc. |
Làm bánh bột lọc vô cùng đơn giản, nguyên liệu chính để làm bánh là bột năng. Bột được cho vào một cái mâm, đun chín nước sôi và đổ từ từ vào bột và trộn đều, hỗn hợp bột sẽ nửa sống, nửa chín, dùng tay nhồi cho đến khi bột dẻo, dai và mịn. Sau đó, bột được ngắt ra thành từng cục nhỏ, nặn thành hình tròn và mỏng, cho nhân bánh làm từ tôm, thịt vào giữa miếng bột, ép lại thành hình bán nguyệt nhỏ.
Bánh sau khi làm xong được cho vào nồi và đem đi luộc chín. Vớt bánh ra và trộn với dầu đã được phi hành lá, hẹ để bánh được thơm ngon. Bánh trong suốt phô bày con tôm và lát thịt ăn với trái ớt xanh, mang vị cay đặc trưng của xứ Huế để cho ai đã một lần thưởng thức thì không thể nào quên.
4. Bánh bột lọc gói:
Bánh bột lọc gói. |
Cũng có nguyên liệu, thành phần giống với bánh bột lọc trần, thay vì luộc chín thì bánh được gói lại bằng lá chuối và đem hấp chín.
5. Bánh ram ít:
Bánh ram ít. |
Bánh ram ít có hai phần, bánh ram và bánh ít. Để làm bánh cần có đầy đủ các nguyên liệu như tôm tươi, tôm chấy, thịt ba chỉ, bột nếp...
Cái hấp dẫn nhất của bánh ram ít chính là sự kết hợp giữa vị giòn, beo béo của bánh ram với vị thơm, dẻo rất đặc trưng của đậu và nếp của bánh ít, vị ngọt thanh cay cay của nước mắm.
6. Bánh nậm:
Bánh nậm. |
Bánh nậm làm bằng bột gạo, nhân tôm, thịt, đậu xanh... gói bằng lá chuối hoặc lá dong. Bột gạo hòa tan với nước, nêm thêm bột ngọt, muối, bắc lên bếp khuấy đều. Khi bột nhuyễn, đặ lại, dùng thìa múc một ít bột, trải đều ra lá chuối, cho lên bên trên một ít nhân, gói bánh lại thành hình chữ nhật và đem hấp chín. Ăn kèm với bánh nậm là chén mắm ngọt hơi cay.
7. Vả trộn:
Vả trộn. |
Vả trộn là món ăn ngon miệng và rất dễ thực hiện. Vả lựa chọn mua loại còn tươi xanh, rửa sạch và đem luộc chín. Lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, bổ đôi và thái lát mỏng vừa ăn theo chiều dọc của thân quả.
Trong thành phần của món ăn này còn có tôm, thịt... Vả trộn là món ăn nhà nghèo nên tôm, thịt thường rất ít, nó như điểm xuyết tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn. Một thành phần không thể thiếu làm tăng thêm hương vị cho món ăn là các loại rau thơm và vừng. Hành lá, ngò gai, ngò rí, rau răm rửa sạch và thái nhuyễn. Bày món vả trộn ra đĩa, nếu có tôm thì cho vài con lên trên cho đẹp mắt. Vả trộn được ăn kèm với bánh tráng nướng và chén nước chấm cay.
8. Cơm hến:
Cơm hến. |
Tô cơm hến vừa thơm, vừa có vị ngọt của hến, của nước luộc hến. Đó còn là cái vị đậm đà của mắm ruốc Huế, cái bùi của đậu phộng, giòn rụm của da heo, vượt lên trên tất cả là vị cay xe lưỡi của ớt Huế. Có thể nói cơm hến là món ăn cay nhất trong ẩm thực Huế, vừa ăn vừa xuýt xoa, ăn đến đâu mồ hôi chảy ra đến đấy, nhưng với người Huế như vậy mới đã, mới thấm và mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của món ăn.
9. Tôm chua Huế:
Tôm chua Huế. |
Món ăn nổi tiếng và hấp dẫn người ăn nhất là tôm chua thịt luộc, ai đã ăn một lần sẽ lưu luyến cái vị đậm đà rất ngon miệng.
Người Huế thường chọn tôm tươi sống, đều con, cắt râu, rửa sạch để ráo, ngâm với rượu cho đến khi hết mùi rượu, vớt ra để ráo. Măng vòi (phần non), tỏi xắt lát mỏng, củ riềng xắt rối, ớt trái xắt lát dài.
Trộn đều tôm, xôi, măng vòi, tỏi, ớt, riềng, nước mắm ngon hoặc muối, cho vào thẩu thủy tinh hoặc thẩu men, lấy vài thanh tre mỏng gài lại và đậy nắp, để nơi có nắng ấm độ 3 ngày. Sau đó đưa vào nơi khô ráo và mát. Từ 5 đến 7 ngày, màu trắng của xôi, măng, riềng tỏi, màu đỏ của tôm, ớt cho ta một thẩu tôm chua chín vừa, đẹp và thơm ngon.
10. Nem lụi nướng:
Nem lụi nướng. |
Nem lụi nướng là món ăn rất nổi tiếng của xứ Huế, với nhiều thành phần như nem, bánh tráng, rau, đồ chua, nước chấm... Thành phần chính của món ăn là nem, được làm từ thịt lợn tươi vừa mới mổ xong. Thịt được rửa sạch, xay nhuyễn rồi nêm gia vị vừa ăn, vo thành từng viên dài quanh que tre nhỏ và nướng chín trên bếp than hồng.
Dùng một lát bánh tráng mỏng, cho lên trên một lát xà lách, chuối chát, khế, đồ chua, lát nem nướng và vài miếng bánh tráng ngọt chiên giòn, cuộn tròn lại chấm vào nước lèo, một gia vị không thể thiếu cho món bún thịt nướng lẫn nem lụi.
Ngoài những món ăn kể trên, ở Sài Gòn còn rất nhiều món ăn nổi tiếng khác của xứ Huế như: hến xúc bánh đa, bánh ít trần, bánh canh Nam Phổ, các loại chè Huế.... món nào cũng hấp dẫn và đem lại cảm giác ngon miệng cho người ăn.
Bài và ảnh: Khánh Hòa